Không còn tình trạng ùn tắc kéo dài
Sáng 9-11, tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng khoảng 2km) đã được đưa vào sử dụng để phục vụ ô-tô lưu thông với vận tốc 80km/ giờ. Sau khi được đưa vào vận hành, ở hai đầu nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh và Ngã Tư Vọng - Trường Chinh đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng, các đơn vị cảnh sát giao thông (CSGT) cũng có mặt kịp thời để khắc phục tình trạng này.
Sau năm ngày, tình trạng ùn tắc giờ cao điểm ở hai nút giao đã được cải thiện rõ rệt. Sáng nay, 13-11, khoảng 8 giờ, ở hai nút giao đã không còn tình trạng tắc đường kéo dài. Các phương tiện lưu thông thuận lợi dưới sự điều phối của CSGT khu vực.
Cô Hường (người dân sống tại khu vực ngã tư Vọng) chia sẻ: “Phía Ngã Tư Vọng về đến Tôn Thất Tùng đã không còn tình trạng tắc đường, đường thông thoáng ngay cả trong giờ cao điểm. Cô ghi nhận công sức của các chiến sĩ CSGT và ban quản lý dự án,... khi thấy ách tắc đã kịp thời can thiệp và tìm biện pháp giải quyết.”
Anh Uyên (lái xe khu vực Trường Chinh) cũng cho hay: “Cách đây hai ngày, tôi còn phải đợi bốn, năm lượt đèn đỏ mới có thể qua đường. Nhưng tới hôm nay tôi cũng bất ngờ vì công tác cải thiện của các cơ quan chức năng. Tuy giờ cao điểm vẫn ùn tắc nhưng đã khả quan hơn”.
Ghi nhận tại nút giao Tôn Thất Tùng - Trường Chinh, khả năng lưu thông của các phương tiện cũng được cải thiện hơn sau năm ngày, hiện tượng tắc đường giờ cao điểm đã không còn.
Anh Tùng (hộ kinh doanh trên đường Trường Chinh) cho biết: “Tôi nghĩ ùn tắc giao thông là do đèn tín hiệu chưa hợp lý, ô-tô lưu thông quá nhanh trên cầu vượt sẽ bị ùn lại do chờ đèn đỏ lâu, thêm một số điểm quay đầu đã bị chặn lại nên tắc đường là điều không thể tránh khỏi vào giờ cao điểm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều cùng ngày đã không còn hiện tượng ùn tắc kéo dài, đường thông thoáng, các đơn vị CSGT tích cực tham gia điều tiết để cải thiện giao thông giờ cao điểm ở hai đầu cầu.
Lực lượng CSGT khu vực cho biết, giờ cao điểm ở hai nút giao đã không còn tình trạng ách tắc nghiêm trọng như những ngày vừa qua, đồng thời cũng đánh giá cao ý thức tham gia giao thông của người dân và mong muốn người dân luôn tự giác chấp hành các luật lệ an toàn giao thông.
Cần nhanh chóng đồng bộ toàn tuyến vành đai 2
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, không phủ nhận khi đường trên cao vành đai 2 đi vào hoạt động đã nâng cao đáng kể năng lực thông qua của đường Trường Chinh.
Tuy nhiên, ngay khi thông xe đường vành đai 2 trên cao đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài tại khu vực Ngã Tư Sở, theo TS Trần Hữu Minh, có mấy lý do chính cho hiện tượng này.
Thứ nhất là sự không đồng bộ về công suất giữa tuyến đường Trường Chinh (cả trên cao và mặt đất) và nút giao Ngã Tư Sở. Mặc dù nút giao Ngã Tư Sở hiện nay đã là nút giao lớn được cải tạo nhiều lần và giao cắt khác mức nhưng năng lực thông qua của tuyến đường Trường Chinh và đường vành đai 2 đang lớn hơn công suất của nút rất nhiều.
Thứ hai là có sự không đồng bộ trên toàn tuyến vành đai 2: có chỗ đường rộng, chỗ đường hẹp, có đoạn trên cao, có đoạn đang thi công (Đại La), có đoạn chưa làm (Ngã Tư Sở – Cầu Giấy)... bởi vậy tạo nên những nút thắt cổ chai.
Thứ ba là phương án thiết kế hiện nay tạo ra nhiều xung đột và giao cắt tại Ngã Tư Sở, đặc biệt chiều từ Ngã Tư Vọng – Ngã tư Sở nhưng công tác tổ chức giao thông và chu kỳ đèn ở khu vực này còn rất nhiều hạn chế.
Theo TS Trần Hữu Minh, dư luận đánh giá cao việc Hà Nội đã phản ứng nhanh, họp các cơ quan liên ngành tìm cách tháo gỡ, trong quá trình tìm kiếm giải pháp nên chú trọng một số vấn đề.
Thứ nhất là phải nhanh chóng đồng bộ toàn tuyến, nếu chỉ làm vượt qua Ngã Tư Sở và tiếp đất tại đường Láng thì Yên Lãng và Láng Hạ sẽ sớm bị tắc cứng trở lại.
“Như vậy, không cẩn thận chúng ta chỉ chuyển ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác, trước đây từ Trường Chinh sang Ngã Tư Sở (hiện nay) – và sắp tới là khu vực Láng Hạ... Với xã hội, với thành phố, với người dân, nếu đi nhanh chỗ này nhưng tắc cứng ở chỗ khác thì không có ý nghĩa gì, dự án không phát huy được tác dụng. Cần liên thông toàn bộ từ Vĩnh Tuy về Cầu Giấy”, TS Trần Hữu Minh cho biết.
Vấn đề thứ hai nên chú trọng là tại Ngã Tư Sở, cần tối ưu đèn tín hiệu theo lưu lượng giao thông từng hướng theo thời gian thực. Chu kỳ đèn ở Ngã Tư Vọng cũng phải phối hợp với Ngã Tư Sở để bảo đảm giao thông vào và ra khu vực này tương đương nhau, như vậy sẽ bảo đảm điều tiết về mặt tổng thể.
Bên cạnh đó, về kỹ thuật tổ chức giao thông, theo TS Trần Hữu Minh, với giao thông tiếp đất phải có vùng đệm đủ lớn và sơn kẻ rõ ràng để nhập dòng, tránh xung đột trực tiếp với giao thông mặt đất, bảo đảm khi tiếp đất giao thông có đủ không gian và thời gian để có thể chuyển làn êm thuận.