Cần sớm có quy chế quản lý và khai thác vỉa hè

Làm thế nào để quản lý và khai thác vỉa hè tại khu vực nội thành của Hà Nội một cách hiệu quả, để vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ là những vấn đề đang được người dân quan tâm, đòi hỏi các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm có quyết đáp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vỉa hè góc phố Lê Phụng Hiểu-Ngô Quyền được cho thuê làm địa điểm kinh doanh cà-phe, ăn uống. (Ảnh Hà Thu)
Khu vỉa hè góc phố Lê Phụng Hiểu-Ngô Quyền được cho thuê làm địa điểm kinh doanh cà-phe, ăn uống. (Ảnh Hà Thu)

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, vỉa hè không chỉ là không gian giao thông mà còn là không gian của hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, vỉa hè là nơi diễn ra nhiều hoạt động mưu sinh của người dân. Hè phố gắn với sinh kế của người dân và phần nào cũng là kinh tế đô thị, mặt khác còn là nét đẹp gắn bó với nhiều thế hệ người dân thành phố. Vì vậy cần quản lý vỉa hè đầy đủ theo chức năng, phù hợp với yêu cầu sử dụng và sinh hoạt của người dân; quản lý đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên, dưới nền hè và các hoạt động góp phần tạo nên môi trường văn minh, hiện đại, an toàn, đồng bộ và bền vững.

Ðối với Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia đề xuất rất cần xây dựng, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè đường phố theo hướng tổng hòa các mục đích, vừa phục vụ người đi bộ, vừa là hạ tầng kỹ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị của thành phố.

Quyền Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Phạm Hoài Chung chia sẻ, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như: Sydney (Australia), Ðài Bắc (Ðài Loan, Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc)..., chính quyền nhận thấy không thể xóa bỏ các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nên đã đề ra những quy định để quản lý và cho phép sử dụng hè phố để kinh doanh.

Thời gian qua, quận đã xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm trật tự văn minh đô thị trên địa bàn quận. Tuy nhiên, kết quả chưa được bền vững, vẫn còn tình trạng tái phạm, kinh doanh trên vỉa hè, để phương tiện trên vỉa hè. Do vậy, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, cần một giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài kết hợp quản lý vỉa hè gắn với an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân.

Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm

“Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nghiên cứu Ðề án đề xuất giải pháp khai thác và phát huy giá trị vỉa hè, đường trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vỉa hè tại một số tuyến phố khác trên địa bàn quận”, ông Tùng cho hay.

Ðiểm đáng chú ý của Ðề án này là, bên cạnh phân loại tiêu chí các khu vực tuyến phố khác nhau, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm một số vị trí trên địa bàn quận cho thuê vỉa hè để kinh doanh, trong đó thí điểm 15 vị trí trên năm tuyến phố trong không gian đi bộ gồm Ðinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí và Lê Thái Tổ. Thí điểm 21 vị trí trên năm tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu và Ngô Quyền. Mức thu phí theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, mức thu là 45.000 đồng/m2. Quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 là hai năm.

Giai đoạn 2 đề xuất bổ sung thêm tại khu vực phố cổ Hà Nội, một số tuyến phố giáp chợ, không là trục giao thông chính và vỉa hè đủ rộng từ 3m trở lên... Sau thí điểm, quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với các sở, ngành đánh giá hiệu quả, báo cáo thành phố để có thể nhân rộng ra toàn địa bàn.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, ngoài việc kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các quy định của luật, Hà Nội cần quy hoạch lại, phân vùng các tuyến phố để làm cơ sở quyết định hình thức khai thác, sử dụng vỉa hè. Hà Nội có thể lập Ðề án quản lý, sử dụng, khai thác, quy hoạch lại vỉa hè theo ba mô hình. Loại 1 là cấm toàn bộ các hoạt động kinh doanh, dừng đỗ xe, dành 100% không gian cho người đi bộ.

Loại 2 là cấm một phần, chủ yếu phục vụ người đi bộ. Một số đoạn không cho thuê vỉa hè thì giao cho họ tự quản không thu phí để xe tạm thời, nhưng phải đóng thuế môi trường. Với những đoạn vỉa hè người dân muốn thuê thì cho phép dừng đỗ xe và kinh doanh tạm thời và thu phí cho thuê vỉa hè cùng thuế môi trường. Loại 3 là mô hình vỉa hè cho thuê để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán lâu dài, phải trả tiền thuê và thuế môi trường, phí vệ sinh...

Nhưng việc phân loại vỉa hè để khai thác, sử dụng phải có thỏa thuận với người dân, nhất là các hộ gia đình có nhà mặt tiền hè phố. Sau khi xác định được mô hình quản lý, sử dụng, thành phố sẽ thiết lập các tiêu chí để phân vùng chi tiết với từng tuyến vỉa hè.

Quyền Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Phạm Hoài Chung băn khoăn: Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định liên quan quy định, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nhưng quy định của Bộ Xây dựng lại cho phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh buôn bán với một số tuyến phố đặc thù. Tuy vậy, xác định như thế nào là tuyến phố đặc thù lại chưa có cơ sở, dẫn đến mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau, làm một cách khác nhau. Thêm vào đó, quản lý vỉa hè hiện nay đang bị chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong quản lý và khai thác.

Vì vậy, ông Chung cho rằng, muốn triển khai việc quản lý và khai thác tốt vỉa hè, thành phố phải ban hành được quy chế quản lý vỉa hè vào mục đích kinh doanh cập nhật theo tình hình mới; xác định rõ tuyến phố đặc thù là như thế nào, mặt hàng nào được kinh doanh theo từng lĩnh vực đặc thù, mục đích sử dụng đồng nhất. Có như vậy, việc quản lý và khai thác vỉa hè tại Hà Nội mới đạt hiệu quả cao.