Cần sớm có chính sách giải quyết về giá điện mặt trời

NDO - Ngày 14/3 vừa qua, 36 doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (dự án không vận hành thương mại kịp thời hạn để hưởng giá ưu đãi cố định trong 20 năm) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Nhà máy Điện mặt trời tại Ninh Thuận.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.676MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch nên không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm. Trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) với tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, nhưng hiện vẫn chưa được đưa vào vận hành.

Những lo ngại...

Hơn 1 năm qua các dự án đã ở trong tình trạng “màn trời chiếu đất” chưa có cơ chế để đưa điện lên lưới điện quốc gia gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trong nước.

Để giải quyết vấn đề này, đầu năm nay Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện mới cho các dự án chuyển tiếp với giá trần dự án điện mặt trời là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Mức trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây. Việc này sẽ dẫn đến hậu quả lớn cho các doanh nghiệp khi các tính toán tài chính đầu tư đều dựa trên giá FIT trước đó.

Ngay khi văn bản khung giá được ban hành thì ngày 6/3 vừa qua, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Công thương bày tỏ quan điểm, đề xuất cách tính khung giá điện gió, điện mặt trời. Các doanh nghiệp Thái Lan có 13 dự án đầu tư chuyển tiếp tại Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được phép vận hành thương mại cùng lý do với các doanh nghiệp Việt Nam là bị đình trệ bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19, kéo theo không đạt được vận hành thương mại theo dự kiến là ngày 31/10/2021.

Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1 về khung giá phát điện và Thông tư 15/2022-TT-BCT ngày 3/10/2022 về phương pháp xây dựng khung giá phát điện điện mặt trời, điện gió đã dấy lên lo ngại và dè dặt của Nhóm công tác về điện (Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam), bởi các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính vì khung giá vừa được ban hành, các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan đều đề nghị các cơ quan thẩm quyền của Bộ Công thương xem xét ý kiến đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu và tính toán để đưa ra khung giá phát điện mới trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá và tham vấn với Hội đồng tư vấn, Bộ Tài chính để bảo đảm khách quan, minh bạch.

Cần bảo đảm khách quan, nhanh chóng và minh bạch

Sự việc này làm dấy lên lo ngại rằng, các doanh nghiệp đã nằm trong vùng “nguy hiểm” quá lâu, cần có phương án hành động nhanh chóng, nhất là từ các bộ, ban ngành. Đơn cử như vụ việc liên quan về kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ở Ninh Thuận. Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có tổng công suất 450MW kết hợp đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Sự kiện dừng khai thác đã gây ra thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và kéo dài từ tháng 9/2022 đến nay khiến cho chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả lãi ngân hàng.

Đến thời điểm này dự án vẫn đang tiếp tục vận hành và giải quyết vấn đề giải toả công suất cho các nhà máy năng lượng khác tại Ninh Thuận và khu vực, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1-Vĩnh Tân. Với quyết định dừng huy động 172MW của Nhà máy này từ ngày 1/9/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với lý do chưa có cơ chế giá điện đồng nghĩa với việc dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế ban đầu gây thiệt hại cực lớn cho doanh nghiệp (2 tỷ đồng mỗi ngày kể từ ngày 1/9/2022).

Sự kiện dừng khai thác đã gây ra thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và kéo dài từ tháng 9/2022 đến nay khiến cho chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực lớn trong việc trả lãi ngân hàng. Ngay sau khi nhận được quyết định dừng khai thác phần công suất 172MW của nhà máy, chủ đầu tư đã gửi kiến nghị lên các cơ quan ban ngành liên quan trong đó có Ban Dân nguyện của Quốc hội. Ngay tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kiến nghị giải quyết dứt điểm tránh kéo dài gây lãng phí nguồn điện từ năng lượng tái tạo gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trên cơ sở trao đổi với các cơ quan liên ban ngành, tại phiên họp chiều 15/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thực hiện Kết luận tại Phiên họp thứ 18 và Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện, ngày 8/3/2023, Ban Dân nguyện đã chủ trì, phối hợp làm việc với các cơ quan bộ, ngành liên quan về kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ở Ninh Thuận.

Trên cơ sở đó, Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc lấy lý do chưa có giá điện là thiếu cơ sở pháp lý bởi ngày 3/10/2022 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; ban hành Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để EVN thỏa thuận đơn giá mua điện đối với các doanh nghiệp đang nằm trong diện này.

Từ đó, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý về việc tiếp nhận Trạm biến áp 500kV và đường dây truyền tải 500kV, 220kV do Công ty TNHH Thuận Nam Trung Nam đầu tư xây dựng sang EVN tiếp nhận và thực hiện việc quản lý vận hành.

 Cần sớm có chính sách giải quyết về giá điện mặt trời ảnh 1

Ông Dương Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp ngày 15/3.

Cũng tại buổi làm việc, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Trung Nam Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW trở lại theo đúng cam kết của Hợp đồng bán điện cũng như sớm hoàn thành dứt điểm việc xác định mua bán giá điện đối với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đây là việc cấp bách ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và khiến cho các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản!