Việc điều chỉnh giá điện được cân nhắc bởi nhiều yếu tố

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, chiều 2/2, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Họp báo Chính phủ tháng 1/2023. (Ảnh: VGP/Quang Thương)
Họp báo Chính phủ tháng 1/2023. (Ảnh: VGP/Quang Thương)

Chiều 2/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành trả lời câu hỏi các nhà báo liên quan nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá và cân nhắc

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm. Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN phối hợp các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.

Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về xử lý khoản lỗ của EVN, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để bảo đảm cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện, bảo đảm cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của EVN, tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng kiểm

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, với vụ án xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm, hiện nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can với các tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Có thể nói đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt mã đăng kiểm hoặc thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh hay đèn...

Đây cũng là lý do tại sao có người nói rằng có phương tiện cơ giới trước khi đi đăng kiểm thì "tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi" nhưng sau khi "làm phép" tại trung tâm đăng kiểm thì vẫn trong tình trạng tất cả các bộ phận của xe đều kêu, trừ còi nhưng xe vẫn hoạt động tốt. Đây là việc rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn.

Khi cơ quan công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm, có ý kiến cho rằng cơ quan công an làm ảnh hưởng hoạt động đăng kiểm, nhưng thực tế không phải thế. Từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan công an không ra quyết định nào, không ra một văn bản tố tụng nào về việc dừng hay tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm và hoạt động tố tụng này hoàn toàn đúng luật. Cơ quan công an chỉ thu giữ vật chứng, tài liệu của đối tượng phạm tội. Khi công an tiến hành khám xét, có những cá nhân đưa thông tin tất cả các trạm đăng kiểm dừng hoạt động để tạo áp lực với cơ quan công an và cơ quan công an đã cảnh cáo tới các cá nhân này nên việc này đã không thực hiện được.

Qua vụ việc trên, Bộ Công an đã cùng Bộ Giao thông vận tải thực hiện một loạt nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và Bộ Công an cũng được biết là Bộ Giao thông vận tải đang dùng "kháng sinh liều cao" để điều trị căn bệnh này. Rất mong nhà báo và nhân dân tiếp tục ủng hộ trong quá trình làm trong sạch các đối tượng gây hậu quả nghiêm trọng.

Với vụ án Cục Lãnh sự, đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 41 bị can (tăng 2 bị can so lần họp báo trước), phong tỏa kê biên khoảng 8.000 tỷ đồng.

Với vụ Việt Á, đã khởi tố 104 bị can (tăng 2 bị can so lần họp báo trước), kê biên khoảng 1.700 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng so thông báo tại lần họp báo trước).

Về mục tiêu, Bộ Công an sẽ cố gắng phấn đấu kết thúc điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, án tại hồ sơ nên không loại trừ khả năng sẽ có thêm tình tiết mới.