Tính toán phương án điều chỉnh giá điện

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề giá điện cần bàn sao cho hợp lý và điều hành bảo đảm dung hòa được lạm phát và tăng trưởng. Do vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành “giật cục”. Điều này “nhắc nhở” các cơ quan liên quan cần tính toán thận trọng các chỉ số khi điều chỉnh giá điện.
0:00 / 0:00
0:00
Cần phải tính toán thận trọng khi tăng giá điện. Ảnh: HẢI ANH
Cần phải tính toán thận trọng khi tăng giá điện. Ảnh: HẢI ANH

Về chi phí sản xuất, kinh doanh điện

Trong báo cáo cập nhật gửi đến Bộ trưởng Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia lỗ sản xuất, kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó sáu tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và sáu tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất, kinh doanh của EVN lũy kế hai năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.

Trước thực tế đó, ngày 3/2, Bộ Công thương đã có văn bản gửi EVN, yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023. Bộ Công thương đề nghị EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh (SXKD) điện năm 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.

Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo, Bộ Công thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022. Đây cũng là căn cứ để Bộ Công thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Sẽ có tác động tới lạm phát, đời sống người dân

Chiều ngày 2/2, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó nguyên tắc là nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, mặt hàng này ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đời sống người dân, nên việc điều chỉnh cần báo cáo Thủ tướng

Chính phủ.

“Tăng giá điện tới đây sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân, nhưng cần Thủ tướng có ý kiến mới thực hiện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, tăng giá điện là nhu cầu tương đối cấp bách của EVN, tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do chi phí tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Chi phí sản xuất tăng nhưng đơn hàng của doanh nghiệp bị cắt giảm. Nếu giá điện tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng, khó phục hồi sau Covid-19.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh góp ý, trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện càng phải cẩn trọng. Nếu tăng giá chỉ nên ở mức độ thấp nhất có thể. Đặc biệt, phải giãn thời gian tăng giá, có thể từ giữa năm 2023, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu giảm bớt khó khăn, ổn định hơn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê khi nhìn nhận câu chuyện giá điện và một số mặt hàng nhà nước quản lý giá cũng cho rằng: Nếu chúng ta kiềm giữ mãi giá điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế, không cho các mặt hàng, dịch vụ này theo cơ chế thị trường năm 2023-2024 thì rất bất cập. Do đó, năm 2023 phải điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế sao cho phù hợp, để giá các mặt hàng, dịch vụ này tiệm cận cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá khuyến nghị: Giá điện của nước ta không thể không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào như giá than và những yếu tố cấu thành giá khác trong cơ cấu giá điện. Chính vì vậy, việc điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường phải được lựa chọn.

Đề xuất tăng giá truyền tải thêm gần 4%

EVN cũng đã đề xuất Bộ Công thương tăng gần 4% giá điện truyền tải lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt từ tháng 5/2022 là 75,85 đồng/kWh. Việc này nhằm bảo đảm Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) không bị lỗ.

EVN cho biết đã tính toán lại kết quả sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 trên cơ sở cập nhật sản lượng điện truyền tải, các chi phí khác đã thực hiện với giá truyền tải 75,85 đồng một kWh. Kết quả là năm 2022, EVNNPT lỗ gần 684,86 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.