Cần siết chặt quản lý chất lượng dược liệu và thuốc đông y

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng các loại thuốc đông dược trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, hiện nay, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, trên thị trường xuất hiện tràn lan các loại thuốc đông y kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh...

Nhu cầu sử dụng các loại thuốc đông dược trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng lớn. Trong ảnh: Kinh doanh buôn bán thuốc đông y trên phố Lãn Ông (Hà Nội).                 Ảnh: Thu
Nhu cầu sử dụng các loại thuốc đông dược trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng lớn. Trong ảnh: Kinh doanh buôn bán thuốc đông y trên phố Lãn Ông (Hà Nội).                 Ảnh: Thu

Số liệu thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Là mặt hàng liên quan sức khỏe con người, tuy nhiên, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát chặt chẽ, do vậy, các cơ sở kinh doanh, chế biến thuốc đông y đang “đẩy” không ít người dân vào nguy cơ “uống thuốc mang bệnh”. Qua khảo sát, tại những cửa hàng buôn bán đông dược ở phố Lãn Ông (Hà Nội), bất kể giờ nào cũng tấp nập khách ra vào. Nhiều cửa hàng chỉ rộng khoảng 10 m2, nhưng bày bán hàng trăm mặt hàng khác nhau, phong phú về cả chủng loại, mẫu mã, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu. Thậm chí, có nhiều loại rễ cây, cỏ, được bày tràn cả ra vỉa hè, trong đó có loại đã ngả mầu mốc. Cùng với lời quảng cáo của các chủ cửa hàng, có đủ các loại thuốc chữa khỏi hết các bệnh, thậm chí cả bệnh hiểm nghèo, thì giá cả của những loại đông dược tại đây cũng không khác gì “ma trận”. Có những loại sâm hay nấm linh chi có giá thành lên tới hàng chục triệu đồng/kg, nhưng cũng có không ít loại bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các loại dược liệu hay đã được bào chế thành thuốc này đều không có nguồn gốc rõ ràng về chất lượng, trên bao bì không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu. Và nếu có, chỉ là một vài dòng chữ nhằng nhịt, cho nên người tiêu dùng khi mua cũng chỉ biết tin vào lời quảng cáo của chủ cửa hàng.

Ông Nguyễn Văn Huy, ở phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lâu nay, mỗi khi cảm thấy mỏi mệt kém ăn, kém ngủ, ông lại lên một cửa hàng thuốc ở phố Lãn Ông (Hà Nội) để mua một hộp thuốc đông y dạng viên có giá 75 nghìn đồng/lọ để uống. Theo lời ông Huy, chỉ uống trong vài ngày, là sẽ thấy tác dụng, ông cảm thấy ăn ngon, ngủ ngon hơn. Song, khi hỏi tên thuốc và nguồn gốc xuất xứ, ông Huy cũng không nhớ chính xác, vì tên thuốc và cách sử dụng đều được viết bằng tiếng nước ngoài. Trường hợp của chị Thu Huyền, trú tại phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), sau khi bị sảy thai lần đầu đã được gia đình tích cực cho uống hàng chục thang thuốc bắc để tẩm bổ. Thế nhưng, bổ đâu chưa thấy, mà càng uống thuốc, chị ngày càng gầy mòn héo hon, da dẻ nhợt nhạt. Chỉ đến khi thấy quá mệt, vào bệnh viện khám mới phát hiện đã bị suy thận độ 1. Một loại đông dược được khá nhiều gia đình có bệnh nhân cao huyết áp tìm mua là thuốc An cung ngưu hoàng hoàn. Theo “lời đồn” thì loại thuốc này được coi như “thần dược”, có tác dụng rất hiệu nghiệm với những người bị tai biến mạch máu não, cao huyết áp… Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt kiểm tra gần đây, hàm lượng các độc tố trong thuốc này đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần.

Và thêm nữa, còn một mối lo là nguy cơ nhiễm độc từ thuốc đông y ngày càng ở mức báo động khi gần đây liên tục xuất hiện hàng loạt ca ngộ độc chì trong thuốc cam. Tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là “chợ đầu mối” trung chuyển, cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc đông y trên cả nước thì dường như vấn đề quản lý mặt hàng đặc thù này lại đang bị “bỏ ngỏ”. Hàng tấn dược liệu theo đường tiểu ngạch được “bốc” từ nước ngoài về, chưa kịp tái chế, có khi không kịp mở ra xem, không cần biết chất lượng thế nào, cứ lãi vài giá là bán ngay. Theo phân tích của các bác sĩ tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện có tình trạng nhiều người bệnh không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong thuốc đông y, mà nguyên nhân trực tiếp lại do hậu quả của những hóa chất sử dụng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc đông y như lưu huỳnh, phốt-pho, thủy ngân để chống ẩm mốc.

Hiện nay, mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu, nhưng trong đó có tới 80-85% nhập khẩu từ nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Do vậy, phần lớn nguồn dược liệu được thông quan không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, mà chỉ được đóng trong các thùng, bao tải. Hơn nữa, việc sử dụng lưu huỳnh để chống ẩm mốc đã ảnh hưởng chất lượng thuốc và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Thực trạng nêu trên đã dẫn tới tình trạng thị trường nguyên liệu dược và thuốc thành phẩm rất hỗn loạn, với nhiều loại dược liệu giả, trộn với hóa chất độc hại…, xảy ra tràn lan, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh.

Để kiểm soát được thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đông dược, đồng thời phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát thị trường đông dược và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trước mắt, cần tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền. Nhà nước cần tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại đông dược không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài.

“Hiện nay, công tác quản lý dược liệu vẫn còn nhiều lỗ hổng, từ khâu nhập khẩu, lưu thông đến phân phối và sử dụng. Chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền không bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị, gây hoang mang lo lắng cho người bệnh”.

(Trích báo cáo Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế)

“Để hạn chế những biến chứng do sử dụng thuốc đông y kém chất lượng, người dân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, kiểm tra cẩn thận trước khi mua, cảnh giác với các loại thuốc đã tán thành viên, và tuyệt đối không mua những loại thuốc đã mốc, mầu sắc thiếu tự nhiên hoặc có mùi lạ”.

NGUYỄN VĂN HẢI

(Hội Đông y Việt Nam)

“Để nhận biết chất lượng các vị thuốc đông y là rất khó. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định chi tiết về việc lưu thông, kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu. Trong đó, bắt buộc ghi trên bao bì về nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tên cơ sở đóng gói...”.

NGUYỄN VĂN VĨNH

(Phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội)