Đẩy lùi thuốc lá điện tử ra khỏi đời sống

Thuốc lá điện tử (TLÐT) có xu hướng xâm nhập ngày càng sâu rộng, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nói Không với thuốc lá điện tử.
Nói Không với thuốc lá điện tử.

Mối nguy hại

Tại phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, thuốc lá nung nóng” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, thông tin được đưa ra, Việt Nam là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá trong một buổi gặp mặt báo chí cho biết, kết quả tổng hợp số liệu từ gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trong năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT.

Theo TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), qua xét nghiệm mẫu TLĐT của bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng, nhiều mẫu cho kết quả dương tính với ma túy. Ngộ độc TLĐT chứa ma túy gây ra các căn bệnh thường gặp về tim phổi, tổn thương thần kinh, có trường hợp bị tổn thương não vĩnh viễn, chi phí điều trị rất tốn kém.

Mặc dù liên tục cảnh báo về tác hại nhưng TLĐT, thuốc lá nung nóng mỗi ngày vẫn len lỏi để có mặt khắp nơi, cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực, như có sức hấp dẫn ma mị đối với người trẻ. Độ tuổi trung bình sử dụng TLĐT ở nước ta hiện là 13-15 và có xu hướng trẻ hóa. Theo đó, tình trạng nghiện, ngộ độc nicotine ngày càng tăng, nhiều hiểm họa rình rập khi không thể quản lý được trà trộn ma túy, hoạt chất tổng hợp vào TLĐT…Không ít người nhầm tưởng sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng không độc hại như thuốc lá truyền thống. Tại một quán cà-phê gần hồ Giảng Võ (Hà Nội), hai thanh niên tầm 15 tuổi đang hút TLĐT rôm rả tán chuyện rằng hút loại này vẫn nhả khói bồng bềnh mà không gây vàng răng và hôi miệng, không hại phổi như thuốc lá “của các cụ”, mà trông lại ngầu.

“Bảo vệ trẻ em khỏi tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” là thông điệp là được Tổ chức Y tế thế giới phát động thực hiện để hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc 31/5/2024. Bằng nhiều hoạt động, diễn đàn này truyền tải thông điệp mạnh mẽ, ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe thông qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Kịp thời lấp đầy khoảng trống pháp lý

Trong khi các nhà quản lý bộ, ngành tranh luận vẫn chưa ngã ngũ nên cấm hay quản, thì trên thực tế liên tục phát hiện, thu giữ TLĐT và phụ kiện đi kèm nhập lậu vào thị trường Việt Nam, điển hình là vụ phát hiện, thu giữ 163.410 sản phẩm thiết bị TLĐT các loại và 9.913 kg phụ kiện TLĐT nghi nhập lậu ngày 11/6 vừa qua.

Đẩy lùi thuốc lá điện tử ra khỏi đời sống ảnh 1

Nguồn: Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)

Tình hình nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo TLĐT, thuốc lá nung nóng trên thị trường qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng TLĐT pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) diễn biến càng phức tạp.

Luật sư Lê Trung Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan. Tuy nhiên, Việt Nam mới có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Việc quản lý TLĐT, đặc biệt là các hoạt chất có trong đó, gặp nhiều khó khăn do Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa có quy định điều chỉnh đối với TLĐT, trong khi đó chế tài xử phạt mới chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính, chưa đủ tính răn đe. Chính kẽ hở pháp lý đối với TLĐT đã tạo cơ hội cho thị trường mua bán, sử dụng diễn ra tràn lan, nhiều cá nhân cố tình vi phạm, sẵn sàng nộp phạt để thu lợi bất chính. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy nặng nề cho xã hội.

Việc xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là cần thiết và cấp bách; đồng thời nghiên cứu, bổ sung hoặc ban hành mới nghị định xử phạt vi phạm hành chính về việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới. Mặt khác, cũng cần bổ sung các loại tội phạm liên quan đến TLĐT trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để răn đe, ngăn ngừa hành vi phạm tội.