Cần nới lỏng chính sách thị thực

Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy lại đà hồi phục rất tích cực sau hai năm "đóng băng" do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tuy vậy, đóng góp cho tăng trưởng chủ yếu đến từ khách du lịch nội địa, còn nguồn khách du lịch quốc tế chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những lý do căn bản khiến du lịch Việt Nam mất điểm trong cạnh tranh quốc tế là "nút thắt" chính sách thị thực (visa) cho khách quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực sớm quyết định mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Quyết tâm của ngành du lịch được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh hồ hởi đón nhận và kỳ vọng tạo sức bật đột phá cho du lịch thành phố sau hai năm gần như nằm im.

Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kịch bản khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế với doanh thu khoảng 97,7 nghìn tỷ đồng. Trong tám tháng năm 2022, tổng doanh thu du lịch-dịch vụ của thành phố ước đạt 74,5 nghìn tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021. Khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 16,7 triệu lượt, tăng 216% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng khách quốc tế đến thành phố chỉ ước đạt gần 1,4 triệu lượt, chưa tới 50% so với kế hoạch cả năm 2022.

Khách du lịch quốc tế đến thành phố không như kỳ vọng, ngoài những yếu tố khách quan do các thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đang thực hiện các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ; tình hình xung đột Nga-Ukraine…, còn một rào cản khác là chính sách thị thực của Việt Nam tồn tại khá nhiều điểm bất cập, chưa tạo thuận lợi cho du khách.

Theo thống kê, Việt Nam hiện chỉ mới miễn thị thực cho công dân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðây là con số quá ít ỏi để cạnh tranh với các nước láng giềng như Singapore miễn visa cho 158 nước; Philippines là 157 nước, Malaysia là 155 nước, Thái Lan là 55 nước. Ðó là chưa kể, luật định chỉ cho phép khách quốc tế lưu trú du lịch tại Việt Nam trong vòng 15 ngày, giới hạn rất ngắn ngày so với nhiều quốc gia phát triển du lịch khác trong khu vực.

Ðại diện một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành cho biết, do thủ tục cấp visa còn rườm rà, nhiều đoàn khách du lịch quốc tế đã chuyển hướng sang quốc gia khác. Ngoài ra, việc giới hạn thời gian lưu trú quá ngắn là không phù hợp với các khách du lịch đến từ châu Âu, châu Mỹ, Australia có xu hướng thích đi tua dài ngày... Chúng ta không thể chậm chân để bỏ lỡ cơ hội phục hồi ngành "công nghiệp không khói" mang lại nguồn doanh thu lớn và cơ hội việc làm cho nhiều lao động.

Mùa du lịch của khách quốc tế bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 5 của năm sau. Do đó, để thu hút du khách nhiều hơn cần có chính sách thân thiện hơn trong thủ tục cấp visa. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm xem xét mở rộng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa và triển khai rộng rãi chính sách visa điện tử (e-visa); đồng thời, khôi phục cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp nhập cảnh vào Việt Nam.