Tiếp tục giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực song khó khăn, rủi ro được dự báo vẫn còn tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí tiếp tục được đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp người dân giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu. Ảnh: NAM ANH
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp người dân giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu. Ảnh: NAM ANH

Chính sách đi vào cuộc sống

Chị Nguyễn Hà (40 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, trong hoàn cảnh thu nhập của gia đình giảm sút do công việc bị ảnh hưởng sau đại dịch, chi phí sinh hoạt tăng cao vì lạm phát, việc được thụ hưởng một số chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ đầu năm 2022 đến nay đã giúp chị giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu. “Mỗi khi đi siêu thị mua hàng hóa hay ra ngoài sử dụng dịch vụ, nhìn thấy ngay việc được giảm thuế tương ứng với mỗi lần chi tiêu, tôi cảm nhận được rõ tác động của chính sách giảm thuế này”, chị Hà nói.

Ông Nguyễn Huy Long, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm (ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chia sẻ, như nhiều doanh nghiệp khác ở TP Thanh Hóa cũng như cả nước, doanh nghiệp của ông đã và đang gặp phải một số khó khăn như chịu lãi suất cao, sức mua của người dân giảm sút, nhân sự biến động… Tuy nhiên, nhờ được giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất thời gian qua, doanh nghiệp đã được tăng thêm sức chống chịu, có thêm thời gian tối ưu hóa dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.

“Đặc biệt, chính sách giảm VAT 2% tác động trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng cũng có tác động gián tiếp đến doanh nghiệp. Tiêu thụ nội địa được đẩy mạnh, xuất khẩu gia tăng trở lại và các doanh nghiệp đã được tiếp thêm nguồn lực từ việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng”, ông Long nhận xét.

Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 3/5/2024 cho biết, nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, liên tiếp 4 năm, từ năm 2020 đến năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Trong đó, đã thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất... hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tổng gói hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2023 là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra sáng 4/5, báo cáo của Chính phủ đã thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và ba tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với những kết quả nổi bật.

Theo đó, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%); trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%; một số địa phương có ngành chế biến, chế tạo tăng cao (Phú Thọ tăng 29,6%, Bắc Giang tăng 24,1%, Hà Nam tăng 15,5%, Bình Phước tăng 15,2%...).

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%. Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực, xuất khẩu nông sản đạt gần 20 tỷ USD. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm (do lượng đơn hàng mới tăng mạnh), là một tín hiệu rất tích cực sau nhiều tháng PMI dưới ngưỡng trung tính 50 điểm.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục giảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm… đã cho thấy hiệu ứng tích cực của chính sách, trong đó có nhóm chính sách tài khóa nói chung, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí nói riêng. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo 6,3%; ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%...

Cần duy trì chính sách ưu đãi thuế, phí đến hết năm 2024

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao, đời sống một bộ phận người dân khó khăn…

Trong 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp điều hành chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhóm giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Theo đó, yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm... và “sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5/2024 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân”, Thủ tướng nói.

Trước đó, tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/4/2024, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính “Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất trong nước...), giảm lệ phí trước bạ ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước; kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng để báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024”.

Ngày 23/4/2024 Bộ Tài chính đã có Công văn 4232/BTC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn và các Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tiếp đó, ngày 26/4/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2803/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 4232/BTC-TCT ngày 23/4/2024 và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các dự thảo nghị định trên, trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Mới đây, Chính phủ vừa có Tờ trình số 177/TTr-CP trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2024 với số tiền giảm thu ngân sách dự kiến cả năm 2024 là khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng. Như vậy, theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua đề xuất giảm thuế này tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/5 tới.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, do đó nếu giảm được 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và mở rộng phạm vi nhóm hàng hóa được giảm sẽ có tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân, từ đó kích thích tiêu dùng, tác động tốt đến tăng trưởng.

Ủng hộ việc giảm thuế nói chung và thuế VAT nói riêng trong bối cảnh hiện nay, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, giảm thuế VAT là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài. “Việc giảm thuế sẽ là biện pháp tích cực của chính sách tài khóa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhìn về dài hạn, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ về thuế nên có sự “dài hơi” hơn, tránh “ăn đong” mỗi chu kỳ 6 tháng một lần, bởi các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch kinh doanh theo chu kỳ 3-5 năm trở lên, ngắn hạn nhất cũng là một năm. “Chính sách quá ngắn hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó trong công tác hoạch định kế hoạch kinh doanh và thậm chí còn bị gia tăng chi phí tuân thủ liên quan đến việc thụ hưởng hỗ trợ thuế, phí”, vị chuyên gia lưu ý.