Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận cấp cứu cho nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Kết quả các xét nghiệm không chỉ phát hiện những chất gây hại ghê gớm cho sức khỏe, thậm chí nhiều xét nghiệm phát hiện có thành phần các chất ma túy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, thuốc lá điện tử không có lợi mà chỉ có hại cho sức khỏe người sử dụng vì các thành phần trong thuốc lá điện tử được phát hiện đều là những loại rất nguy hiểm.
Các chất lỏng, dung dịch được chế vào thuốc lá điện tử được quảng cáo là “tinh dầu”, nhưng thực chất đều hoàn toàn là hóa chất nhân tạo, hóa chất tổng hợp. Các chất lỏng, dung dịch có thành phần đa dạng, thay đổi theo mục đích của nhà sản xuất, thời gian, vùng miền, thói quen, sở thích riêng… Sản phẩm của của công nghiệp hóa chất ngày càng phát triển với hàng nghìn loại khác nhau.
Ngăn chặn tác hại thuốc lá điện tử ngay từ trong trường học
Thành phần hóa chất trong thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Chất nicotin trong thuốc lá điện tử đã ở thế hệ thứ tư, là nicotin dạng muối thay cho dạng tự do (ở thế hệ 1,2,3). Muối nicotin có pH thấp hơn nicotin tự do, ít kích ứng hô hấp nhưng dễ hít với lượng lớn, khi đó nó nicotin dễ xâm nhập vào cơ thể và với lượng nhiều hơn.
Nếu như thuốc lá thông thường hàm lượng nicotin 1,5 đến 2% thì trong thuốc lá điện tử, hàm lượng nicotin lên tới 3% thậm chí 5%. Nó là chất độc, có khả năng gây nghiện cao.
Một bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm chống độc sau khi dùng thuốc lá điện tử có chất ma túy. |
Thuốc lá điện tử lôi kéo, làm gia tăng số người nghiện thuốc lá thông thường; làm hủy hoại các nỗ lực phòng chống tác hại của thuốc lá... Hút thuốc lá điện tử dẫn tới tăng sự khởi đầu hút thuốc lá thông thường và kéo dài tình trạng này.
Ngoài nicotin, các nghiên cứu đều cho thấy trong hơi của thuốc lá điện tử có hàng chục thành phần gây hại cho sức khỏe như: Acetaldehyde, Acrolein, Formaldehyde; hydrocarbon, nhiều hợp chất hữu cơ bay hơi (acrolein, acrylamide, acrylonitrile, benzene, ethanol, methanol, pyrazine, pyridine, styrene, toluene, xylene), cadmium, chì, niken…
Các thành phần trong hơi thuốc lá điện tử nêu trên là nguyên nhân gây tổn thương DNA và ngăn cản sửa chữa DNA tổn thương, gây ung thư biểu mô phổi, thúc đẩy tăng huyết áp, nhịp tim, co thắt mạch, ảnh hưởng phát triển não người trẻ; kích ứng đường thở, đường tiêu hóa; gây ung thư, tổn thương phổi và não, gan, thận…
Không chỉ là những chất gây hại nêu trên, thời gian gần đây kết quả xét nghiệm của những trường hợp ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử đã phát hiện các chất ma túy, như: tinh dầu cần sa, cần sa tổng hợp… làm cho tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, đột quỵ não. Nó gây ra các triệu chứng ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, làm giảm, mất phối hợp động tác, ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức; làm tăng nhịp tim, tụt huyết áp, có những cơn hoảng loạn, ảo giác, hoang tưởng, loạn thần cấp…
Các mẫu ma túy tổng hợp hoàn toàn mới được ghi nhận năm 2022-2023 từ các bệnh nhân cấp cứu sau sử dụng thuốc lá điện tử tại Trung tâm chống độc là: MDMB-Butinaca, ADB-Butinaca, MDMB-4 en, ADB-4 en.
Nguy cơ dùng ma túy của người hút thuốc lá điện tử cao gấp 3,5 lần so với người không hút đồng thời làm tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh.
Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới. Trong khi đó, thuốc lá điện tử là môi trường tồn tại của ma túy cần sa tổng hợp trong tương lai. Sử dụng cần sa kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ miễn dịch (làm thay đổi đáp ứng miễn dịch thứ phát, ảnh hưởng đề kháng của cơ thể với nhiễm trùng); hệ hô hấp, tim mạch… nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Như vậy, việc sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng là hoàn toàn có hại sức khỏe. Sử dụng thuốc lá điện tử rất có thể là mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát… rất có thể đây là loạt bệnh tật mới, một vấn đề y tế khổng lồ.
Từ thực tế của những nguy hại đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử, cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.