Cần một hướng đi cho nghề chế tác gỗ lũa Ðô Lương

Gỗ lũa là phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô. Là phần gốc, lại là lõi nên gỗ lũa rất cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát. Gỗ lũa kết hợp với cây cảnh, non bộ là thú chơi và thưởng thức nghệ thuật của ông cha ta truyền lại.

Nghề chế tác gỗ lũa ở huyện Ðô Lương - Nghệ An đã có hơn 10 năm phát triển. Có thể nói, xuất phát ban đầu của nghề này chỉ là từ một số người có sở thích chơi lũa, khi tình cờ tham quan và gặp gỡ một số nghệ nhân chế tác lũa ở các tỉnh phía bắc. Từ ham mê, sở thích của một số người, dần dần nhu cầu tìm mua và sử dụng gỗ lũa ngày càng tăng lên. Nhiều khách hàng ở một số tỉnh xa tìm đến các cơ sở chế tác ở Ðô Lương để đặt hàng sản phẩm lũa. Ðặc biệt, kể từ sau năm 1998, khi Hội Sinh vật cảnh huyện Ðô Lương tham gia các kỳ Festival, các hội chợ sinh vật cảnh ở các tỉnh, thành phố trong nam, ngoài bắc, sản phẩm lũa mỹ nghệ của Ðô Lương giành giải thưởng cao càng được nhiều nơi biết đến. Hiện trên địa bàn huyện có 18 cơ sở chuyên sản xuất, chạm trổ, điêu khắc gỗ lũa, gỗ nghệ thuật.

Nằm trong một con ngõ nhỏ ở xóm 6, xã Ðông Sơn, cận kề thị trấn Ðô Lương, cơ sở sản xuất, chế tác gỗ lũa nghệ thuật của ông Nguyễn Danh Kế đã tồn tại hơn mười năm nay. Ðây là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều khách hàng ở Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh tìm đến mua sản phẩm lũa. Vốn là Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Ðô Lương, niềm say mê sinh vật cảnh đưa ông Kế đến với nghệ thuật chơi hoa, cây cảnh. Sinh vật cảnh không chỉ là nơi để ông thư giãn mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Trong một lần tình cờ, lòng đam mê nghệ thuật của ông Nguyễn Danh Kế đã dừng lại với nghề chế tác gỗ lũa. Ban đầu, chỉ mình ông Kế mày mò chế tác, dần dần phát triển thành một cơ sở chuyên về sản phẩm lũa và gỗ mỹ nghệ. Hiện nay, cơ sở của ông tạo việc làm cho từ 5 đến 7 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động thời vụ. Ðối với lao động có tay nghề cao, thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng và trung bình là 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Sản phẩm lũa của cơ sở đã từng ba lần tham gia Festival sinh vật cảnh tại TP Hồ Chí Minh và giành được một huy chương bạc, hai huy chương đồng cho sản phẩm bàn ghế gỗ lũa.

Có thể thấy nghề sản xuất, chế tác gỗ lũa mỹ nghệ ở Ðô Lương đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Ðã có nhiều mô hình làm ăn khá từ nghề này. Cơ sở của anh Phan Văn Hiếu ở xóm 3, Lưu Sơn có bốn lao động thường xuyên là anh em trong xã, thu nhập hằng năm của gia đình anh từ 30 đến 40 triệu đồng. Năm 2008, anh Phan Văn Hiếu được bầu là thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Ðô Lương.

Với những sản phẩm vô cùng độc đáo do anh Hoàng Văn Hòa ở xóm 6, Ðông Sơn chế tác, đã có nhiều khách hàng tìm đến. Một mình anh vừa tìm nguyên liệu, vừa tự chế tác hoàn thiện, chào hàng, đến nay cơ sở của anh Hòa đã có thêm sáu, bảy lao động là con em trong vùng. Có việc làm, nhiều thanh niên đã tự lập nghiệp, chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, vừa đem lại thu nhập và cũng tránh xa được các tệ nạn xã hội.

Ở thị trấn Ðô Lương, Chợ Lường xưa, nghề mộc chạm trổ đã có từ lâu nhưng nghề gỗ lũa hay điêu khắc gỗ thì hãy còn khá mới mẻ. Tuy vậy, những người tiên phong trong nghề gỗ lũa ở đây đang rất phấn khởi về khả năng phát triển của nghề này, nhất là tại những làng nghề vốn có truyền thống lâu đời về nghề mộc. Làm lũa gỗ không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công, không dùng máy móc để sản xuất hàng loạt được. Nhiều nghệ nhân gỗ lũa khác ở đây cho biết rằng, họ đến với nghề này chủ yếu là nhằm thỏa mãn sự đam mê. Còn để trở thành một doanh nghiệp thực thụ, họ cần có sự hợp tác trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm của các tổ chức Hội nghề nghiệp. Việc đầu tư cho một sự định hình và ổn định của một nghề mới như gỗ lũa cần phải có một thời gian dài, với một sự đầu tư dài hơi. Trong điều kiện còn mới mẻ như hiện nay thì hầu như các cơ sở gỗ lũa trong huyện Ðô Lương phải thực hiện hình thức "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách vừa làm lũa vừa sản xuất các đồ gỗ gia dụng...

Hàng mỹ nghệ gỗ lũa là loại hàng mỹ nghệ cao cấp, có giá trị kinh tế cao, một bộ bàn ghế có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Nhu cầu thị trường về gỗ lũa trong thị trường sinh vật cảnh và tiềm năng của ngành nghề này là rất lớn, nhất là nhu cầu ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản... Sản phẩm gỗ lũa góp phần làm phong phú thêm những loại hình nghệ thuật độc đáo ở tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, cũng như mọi ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp khác, có những khó khăn hiện nay đang rất cần được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở có thể đầu tư phát triển như vốn, mặt bằng nhà xưởng... Vì vậy, mong muốn chung của các cơ sở chế tác gỗ lũa nghệ thuật ở Ðô Lương là sớm thành lập được làng nghề.

Hiện nay, nhiều cơ sở mộc trong tỉnh, ngoài sản xuất đồ gỗ gia dụng đã bắt đầu làm thêm gỗ mỹ nghệ, gỗ lũa hay điêu khắc gỗ... Ngày càng có nhiều cơ sở mộc gia dụng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ. Có thể nói, một diện mạo mới về nghề mộc, nghề gỗ lũa ở Ðô Lương đang hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ðây cũng là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề trên địa bàn huyện Ðô Lương.

HOÀNG VIỆT ANH

Có thể bạn quan tâm