Trong số 14 tuyến đường đề xuất ưu tiên triển khai, có bốn tuyến đường trục chính đủ điều kiện đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019-2020, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5 km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt dài 4,7 km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm dài 9,6 km.
Trước mắt, ông Thông đề nghị cần sớm khôi phục làn đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú vốn đã có từ trước, đến khi thi công đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông thì tạm dừng tổ chức làn đường riêng cho xe buýt để lấy mặt bằng triển khai. Hiện, tuyến đường sắt đã xong, nên cần thiết sớm tổ chức lại.
“Trước đây, nhờ có làn riêng, nên xe buýt từ Ngã Tư Sở vào Hà Đông đạt vận tốc trung bình 23 km/giờ và có số lượng khách mua vé tháng xe buýt chiếm tới 1/6 toàn mạng lưới, góp phần quan trọng giảm ùn tắc, hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thông nói.
10 tuyến còn lại thực hiện theo Kế hoạch số 201/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 có năm tuyến đường tổ chức làn ưu tiên trong (tổng cộng 22,6 km) gồm: Tuyến đường Hoàng Quốc Việt (2,5 km); Trần Duy Hưng (1,7 km); Xã Đàn (1,7 km); Võ Chí Công (4,7 km); Võ Văn Kiệt (12 km). Giai đoạn 2026-2030 sẽ tổ chức năm tuyến đường có làn ưu tiên (tổng cộng 82,3 km) gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5 km); Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín (9,3 km); Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27 km); Mỹ Đình - sân bay Nội Bài (25 km); Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ (16 km).