Cần khai báo rõ mục đích khi xuất khẩu tinh dầu quế

Với diện tích khoảng 150 nghìn ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng bào Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thu hoạch quế.
Ðồng bào Dao huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thu hoạch quế.

Vùng quế lớn nhất cả nước lao đao

Tính riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được hơn 89 nghìn tấn quế, đạt giá trị hơn 260 triệu USD... nhưng ngành quế đang đứng trước những khó khăn. Ðược xem "cây xóa nghèo" ở các tỉnh phía bắc như Lào Cai, Yên Bái... thế mà người dân nơi đây đang có nguy cơ tái nghèo vì từ cuối năm 2023 đến nay hàng trăm tấn tinh dầu quế đã không thể xuất khẩu.

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và tập quán canh tác lâu đời, tỉnh Yên Bái hiện có diện tích vùng trồng quế lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên, Trấn Yên và một số tại huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình. Hiện có 18 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công.

Thế nhưng thời gian gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế đang gặp khó, giá tinh dầu quế trung bình từ 600 triệu đồng/tấn giảm còn 360 triệu đồng, giá quế vỏ khô các loại từ 115.000 đồng/kg giảm còn 55.000 đồng/kg, cành nhỏ và lá quế có giá mua từ gần 3.000 đồng/kg nay chỉ còn 1.600 đồng/kg tại nhà máy. Giá quế giảm đã kéo theo thu nhập của người dân và cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế giảm theo. Ước tính tổng giá trị của ngành sản xuất, kinh doanh quế giảm xuống một nửa, dẫn đến đời sống, thu nhập người trồng quế giảm sút, nhiều hộ dân hết sức lo lắng.

Chị Thào Thị Sênh, bản Trung Tâm, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên có một héc-ta quế bảy "tuổi" chia sẻ, trước giá thu mua cao cho nên người trồng quế trong xã có đời sống khá hơn, còn hiện tại giá thu mua lá và cành nhỏ tại bản chỉ hơn 1.000 đồng/kg, do vùng nguyên liệu cách xa nhà máy chế biến gần 20 km. Nếu chăm làm thì mỗi ngày, người dân cũng chỉ thu được hai tạ lá, chưa bằng công thợ xây, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, giá cây quế giống cũng giảm sâu, nhiều vườn ươm giống khó tiêu thụ, thậm chí có vườn ươm cây quá lứa không bán được, người dân lao đao. Chị Hoàng Thị Khé ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho biết: Chưa có năm nào người dân lại gặp khó khăn như thời điểm hiện nay. Cây quế trồng lên, các sản phẩm thu hoạch không tiêu thụ được, doanh nghiệp không thu mua, bình quân mỗi vụ, một hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng...

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên (Yên Bái) Lê Văn Quyền, quế là cây trồng chủ lực, là cây trồng giúp nhiều hộ gia đình nông dân miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Ðây là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm quế trên thị trường tương đối ổn định. Hiện, diện tích quế trên địa bàn khoảng 57 nghìn ha, trong đó diện tích quế tập trung hơn 30 nghìn ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại tám xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng.

Nhiều năm qua, ngành trồng quế đã phát triển mạnh, tạo ra các sản phẩm trong quá trình sản xuất và tinh dầu quế là một trong những sản phẩm tận thu từ quá trình trồng trọt. Nhưng hiện nay, ngành sản xuất này đang gặp khó, hàng trăm tấn tinh dầu quế không thể xuất khẩu, doanh nghiệp dừng thu mua… khiến hàng nghìn tấn nguyên liệu của người dân bị mục nát, hư hỏng. Theo thống kê sơ bộ, hiện hai địa phương trồng quế lớn của cả nước và phía bắc là Lào Cai và Yên Bái tồn kho khoảng 100 tấn, ước tính hết vụ quế mùa xuân năm nay sẽ tồn kho thêm khoảng 400 tấn tinh dầu quế.

Ông Nguyễn Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quế Thái Tuấn cho biết: Hiện người dân trồng quế thu hoạch sản phẩm để bán, nhưng phần lớn doanh nghiệp không dám mua, vì nếu có mua về chỉ cất trong kho, bởi sản phẩm chế biến ra cũng không thể tiêu thụ, xuất khẩu được. Công ty Quế Thái Tuấn hiện còn đang tồn khoảng ba tấn tinh dầu nằm kho hơn năm tháng nay...

Vướng mắc, chồng lấn về mặt quản lý?

Qua tìm hiểu, những khó khăn, vướng mắc của việc không xuất khẩu tinh dầu quế thời gian qua ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, nhưng có nguyên nhân lớn đến từ việc thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021.

Là sản phẩm phụ thu đi kèm, được ép từ lá, cành nhỏ người dân cắt tỉa hằng năm để cây lớn, tinh dầu quế có nhiều tạp chất nên hiện nay trên thị trường sản phẩm này chưa đủ để được vào nhóm đầu của ngành dược.

"Không những vậy, nếu theo các quy định sản xuất dược thuộc Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam, thì cánh cửa thật sự đóng lại với nghề sản xuất tinh dầu quế! Trong khi sản xuất tinh dầu quế chỉ có lợi nhuận khoảng 5%, nhưng theo Thông tư số 48 phải thuê dược sĩ, thuê kho thì công ty không còn lãi...", ông Dương khẳng định.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tinh dầu quế. Ðại diện Hiệp hội cho biết, từ tháng 11/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế gặp khó trong việc xuất khẩu khi phải áp dụng các quy định về kinh doanh dược liệu. Ðáng nói là những quy định này hiện chưa phù hợp, vì chủ yếu sản phẩm tinh dầu quế của họ được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu của bên nhập khẩu, không phải làm thuốc...

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay sản phẩm quế cơ bản xuất ở dạng thô, sử dụng làm thực phẩm, làm hương liệu. Do đó việc áp theo một mã duy nhất đó là mã về dược liệu đã vô tình làm khó cho doanh nghiệp, dẫn tới người dân trồng quế không bán được sản phẩm, lượng hàng tồn kho của các công ty ngày càng tăng lên.

Với những vướng mắc, chồng lấn về mặt quản lý nhà nước thì rất cần các cơ quan chức năng xem xét rà soát và điều chỉnh để một ngành sản xuất được tiếp tục phát triển bền vững. Không chỉ tinh dầu quế, với cơ chế hiện nay, trong tương lai nếu xuất khẩu tinh dầu có chiết xuất từ cây gia vị như cây chanh, cây gừng đều phải thực hiện theo quy định này. Riêng đối với việc tiêu thụ tinh dầu quế, Chính phủ sớm có chính sách quản lý phù hợp giữa các bộ, ngành của trung ương, không chồng chéo hoặc tạo ra các rào cản không hợp lý trong xuất khẩu tinh dầu quế.

Từ thực tế nêu trên, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam kiến nghị, do nhóm mặt hàng tinh dầu nói chung và tinh dầu quế nói riêng là nhóm hàng lưỡng dụng, hiện được sử dụng cho nhu cầu thực phẩm trên thế giới rất lớn cho nên việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên cho biết: Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp chưa có chiến lược cũng như tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến tinh dầu hiện đại, nhất là tập trung đi vào nhánh phân khúc dược. Do vậy, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp thông thương để xử lý vấn đề xuất khẩu cho nhóm mặt hàng tinh dầu quế, vô hình trung làm lãng phí sản phẩm tận thu cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân trồng quế… Thời gian tới, các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Mặt khác, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần đưa ra định hướng phát triển ngành quế, xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng...; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho sản phẩm quế; mở rộng mối liên kết trong nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây quế; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngày 15/4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CÐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp, Tổng cục Hải quan cho biết đã có công văn gửi Cục Hải quan tỉnh Lào Cai nêu rõ: Trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định Luật Dược; trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định. Tham dự cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết khó khăn của tỉnh Lào Cai liên quan đến việc xuất khẩu tinh dầu quế đã được tháo gỡ.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng các nội dung Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT không phải là nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu, tinh dầu dược liệu. Tuy nhiên trên tinh thần cầu thị, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát kỹ lại các nội dung của hai thông tư nêu trên; đề nghị, trong quá trình triển khai, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội chủ động trao đổi với Bộ Y tế để cùng tháo gỡ khó khăn, thống nhất trong thực hiện.