Trên nhiều cánh đồng cấy lúa, trồng màu ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, có nhiều hố sụt lún, hố nhỏ có đường kính khoảng 1m, sâu gần 1m, hố lớn gần bằng một cái ao nhỏ, sâu 3- 4m và đã tồn tại từ gần bốn năm qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân địa phương.
Theo thống kê của Mỏ sắt Trại Cau, đơn vị trực tiếp khai thác mỏ sắt tầng sâu Núi Quặng, trên địa bàn xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau có gần 200 hố sụt lún lớn nhỏ, không những ảnh hưởng đến sản xuất, mà gia súc thả rông rất dễ ngã xuống chết dưới hố sụt lún này.
Huyện Đồng Hỷ đã thuê đơn vị tư vấn độc lập nghiên cứu, xác định: Các hố sụt lún này xuất hiện là do việc tháo khô để khai thác mỏ sắt tầng sâu Núi Quặng làm các tầng địa chất caster bị biến động, dẫn đến mất nước ngầm và sụt lún trong khu vực, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Anh Hoàng Văn Phong ở tổ 7, thị trấn Trại Cau chia sẻ: “Gia đình có thửa ruộng cấy lúa, nhưng trên mặt ruộng xuất hiện hố sụt lún lớn, sâu khoảng 2,5 mét, do không thể giữ được nước để cấy lúa nên nhiều năm qua bỏ hoang, ước tính cần gần 100 m3 đất thì mới trám lấp bằng phẳng”.
Đến nay, hậu quả do việc khai thác mỏ sắt tầng sâu Núi Quặng gây ra chưa được khắc phục. UBND huyện Đồng Hỷ đã tổ chức nhiều hội nghị với Mỏ sắt Trại Cau và đơn vị chủ quản là Tisco để giải quyết dứt điểm những tồn tại này nhằm ổn định đời sống người dân và tháo gỡ khó khăn cho huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Lãnh đạo UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Tisco và Mỏ sắt Trại Cau chưa thực hiện đúng phương án hỗ trợ sản lượng lương thực do sụt lún gây ra đối với người dân địa phương, vì cho rằng nhiều hố sụt lún không nằm trong phạm vi, hoặc sụt lún xuất hiện sau khi dừng khai thác mỏ sắt tầng sâu Núi Quặng. Người dân địa phương không đồng tình với lý do của đơn vị khai thác mỏ đưa ra.
Việc trám lấp các hố sụt lún cũng chưa thống nhất, người dân và chính quyền xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau đề nghị các hộ có ruộng bị sụt lún tự trám lấp, nhưng đến nay chưa có cơ chế xác định mức trám lấp đối với 1m3 đất với kinh phí là bao nhiêu. Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau Mạc Đăng Niên cho biết: “Tisco là doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên việc chi trả cần căn cứ vào quy định của pháp luật, xác định mỗi khối đất trám lấp, đoạn đường vận chuyển là bao nhiêu thì chúng tôi mới có cơ sở thực hiện”.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, Mỏ sắt Trại Cau và Tisco cần sớm có giải pháp để khắc phục triệt để, giải quyết dứt điểm những tồn tại từ việc khai thác mỏ sắt tầng sâu Núi Quặng để ổn định đời sống, sản xuất của người dân địa phương.