Cần khắc phục bất cập trong quy hoạch đường sắt đô thị

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch số 519), Hà Nội sẽ xây dựng chín tuyến đường sắt đô thị, kéo dài các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km.
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng đến nay, mới có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) có tổng chiều dài 14 km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Giai đoạn 1 của tuyến số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8 km (Nhổn-Kim Mã) vào cuối năm nay.

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: Đơn vị đã nhiều lần có ý kiến với các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội, cũng như báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về việc cần thiết phải điều chỉnh, vi chỉnh lại Quy hoạch số 519. Theo lý giải của đơn vị này, trước hết, về mặt tổng thể, Quy hoạch số 519 và hệ thống đường sắt đô thị được tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, đưa ra để trình Thủ tướng Chính phủ vào trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Do đó hệ thống đường sắt đô thị được nghiên cứu trong Quy hoạch 519 chỉ nghiên cứu cho khu vực Hà Nội. Dù có xem xét đến yếu tố kết nối với một vài khu vực của tỉnh Hà Tây (cũ) như thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông… nhưng vẫn cần phải nghiên cứu bổ sung thêm nhiều khu vực mà đường sắt đô thị chưa tiếp cận đến, các khu đô thị mới có khả năng sẽ trở thành các khu dân cư tập trung. Thứ hai, trong quá trình quản lý quy hoạch, đã có những bất cập cần phải vi chỉnh từ Quy hoạch 519 để làm cơ sở điều chỉnh trên thực tế. Thí dụ như sự trùng lặp đoạn tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông) với tuyến số 2 đoạn Thượng Đình đi sân bay Nội Bài.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, các đô thị lớn như Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng ban hành nghị quyết, chiến lược riêng về phát triển đô thị theo mô hình TOD (lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), ở trường hợp này là lấy đường sắt đô thị làm hạt nhân trung tâm để phát triển đô thị. Do đó, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị kết hợp quy hoạch mô hình TOD tại khu vực các nhà ga; depot; xem xét đánh giá kỹ lưỡng việc lựa chọn hướng tuyến, vị trí nhằm khai thác triệt để không gian ngầm các khu vực nhà ga, depot của đường sắt đô thị gắn với tái thiết hạ tầng đô thị và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa.

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” đề ra chỉ tiêu “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 đến 35%”, tuy nhiên đến hết 6 tháng đầu năm 2023, con số này mới đạt 19,5%, do mới có một tuyến đường sắt đô thị hoạt động.

Cùng với việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), thời điểm này, thành phố Hà Nội đang tập trung lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Vì vậy, theo một số chuyên gia, đây là thời điểm để điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đường sắt đô thị, tránh trùng lặp, hoặc kéo dài tuyến đến những khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi, nhu cầu cao để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, cần phân cấp, phân kỳ đầu tư, ưu tiên những tuyến quan trọng triển khai trước.