Cần hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gặp một số bất cập, vướng mắc. Do đó, cần có hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong giải quyết vướng mắc về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric, khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: nhandan.vn)
Lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric, khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: nhandan.vn)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 502/BHXH-CSXH ngày 27/2/2023 gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về vướng mắc trong giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Công văn nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gặp một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 quy định: “Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”.

Thế nhưng, trong thực tiễn tổ chức thực hiện, phát sinh những trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần bị cơ quan kiểm toán coi là vi phạm điều kiện sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

Nguyên nhân chính là do phát sinh tăng thu bảo hiểm xã hội sau khi đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần với một số tình huống như sau:

Theo quy định tại tiết a khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trường hợp người lao động tiếp tục đi làm ở đơn vị mới nhưng chưa báo tăng, sau khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì đơn vị mới báo tăng (trong thời hạn 30 ngày) và truy đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sau đó bị thanh tra, kiểm tra buộc phải truy đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 về kết thúc thời gian thử việc như sau: Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Như vậy, một số trường hợp bản thân người lao động không xác định được có vi phạm điều kiện hưởng hay không do người lao động sau khi nghỉ việc tiếp tục đi làm và giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc chưa phải đóng bảo hiểm xã hội, khi đủ điều kiện đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Tuy nhiên, trong trường hợp thử việc đạt yêu cầu người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động và phát sinh truy đóng bảo hiểm xã hội từ lúc người lao động giao kết hợp đồng lao động thử việc (trước khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Các trường hợp trên là nguyên nhân bất khả kháng đối với cơ quan bảo hiểm xã hội vì tại thời điểm cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động đã đủ điều kiện sau một năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được đề nghị truy thu (truy đóng) bảo hiểm xã hội cho người lao động (đã được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần) cho khoảng thời gian trong thời gian 1 năm không tham gia bảo hiểm xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã thực hiện truy thu bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Dẫn đến, khi cơ quan kiểm toán, thanh tra rà soát dữ liệu giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội thì yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi lại số tiền đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động vì cho rằng người lao động nghỉ việc chưa đủ thời gian 1 năm đã giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với trường hợp này, hiện nay cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định hủy quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thu hồi số tiền đã chi trả để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và gộp quá trình đóng trên sổ bảo hiểm xã hội.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trên thực tế vấn đề vướng mắc này cần được phân tích toàn diện theo các khía cạnh như sau:

Về việc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì tại thời điểm giải quyết, cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ trên các thông tin, giấy tờ hiện có bao gồm đơn đề nghị có cam kết của người lao động, đối chiếu với dữ liệu đóng bảo hiểm xã hội để xác định hiện đang không tham gia, để giải quyết và đã giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Về việc truy thu bảo hiểm xã hội thì sau khi đã giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đúng quy định tại thời điểm người lao động nộp hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được yêu cầu truy thu bảo hiểm xã hội từ người sử dụng lao động hoặc cơ quan thanh kiểm toán cho thời gian trước khi giải quyết và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phải thực hiện theo quy định.

Về việc thu hồi số tiền bảo hiểm xã hội một lần đối với các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn và làm phát sinh khối lượng công việc lớn cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong nhiều trường hợp việc thu hồi là không khả thi do đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động phổ thông thu nhập không ổn định nên đã sử dụng hết số tiền bảo hiểm xã hội một lần, không còn khả năng hoàn trả; người lao động thường xuyên thay đổi nơi làm việc, thay đổi nơi ở, không có địa chỉ rõ ràng, thay đổi số điện thoại hoặc đi làm việc ở tỉnh khác không liên lạc được; nhiều trường hợp người lao động không hợp tác với cơ quan bảo hiểm xã hội vì cho rằng việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội và hưởng bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi được hưởng, không đồng ý thu hồi.

Trước những vướng mắc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn không coi là vi phạm điều kiện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp tại thời điểm giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần người lao động đã đủ một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nhưng sau đó phát sinh tăng thu bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian một năm bảo lưu thời gian đóng nêu trên.

Đến hết năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết 1.113.164 người hưởng trợ cấp một lần, trong đó 895.598 người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Con số này chưa tính số người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết.

Trong 5 năm qua, bình quân khoảng hơn 800 nghìn người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.

Con số này năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm chiếm 98,8% tổng số lượt người hưởng một lần trong giai đoạn 2016-2021. Số người hưởng một lần theo các điều kiện khác chiếm ít hơn.

(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)