Cần hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đêm vùng sông Trà Khúc

NDO -

Sau gần 10 năm hình thành chợ đêm Sông Trà, điểm đến của nhiều người dân và du khách, nay tỉnh Quảng Ngãi quyết định “khai tử” điểm du lịch này. Hàng trăm tiểu thương buôn bán, kinh doanh ở chợ đêm Sông Trà  phải dừng hoạt động, trả lại mặt bằng cho ngành chức năng. Trong khi “đóng cửa” nơi kinh doanh, dịch vụ, tỉnh Quảng Ngãi chưa có giải pháp, phương án cụ thể đối với các loại hình dịch vụ này. Và các tiểu thương gặp nhiều khốn khó khi dừng kinh doanh, buôn bán sau gần 10 năm an cư.

Chợ đêm Sông Trà - một trong những điểm du lịch ưa chuộng của du khách khi đến Quảng Ngãi.
Chợ đêm Sông Trà - một trong những điểm du lịch ưa chuộng của du khách khi đến Quảng Ngãi.

Những ngày qua, vợ chồng chị H.N ở phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên. Nhận được thông báo của chính quyền địa phương phải tháo dỡ trại, bạt hàng quán và không được buôn bán, chị N. lo âu chưa biết tính toán thế nào cho những ngày tới. Gần mươi năm trước, hai vợ chồng chị N. làm thợ hồ, phục vụ các công trình xây dựng. Vất vả, sức khỏe giảm sút, vợ chồng chị muốn tìm việc gần nhà, ổn định lo cho cho ba đứa con đang tuổi lớn.

Sau nhiều lần chuyển việc, năm 2015, vợ chồng N. thuê mặt bằng chợ đêm Sông Trà buôn bán. Trên diện tích hơn 200m2, chị bán các món ăn đường phố cho người dân và du khách. Chợ đêm ngày càng đông khách, thu nhập mỗi tháng cũng đủ cho cả nhà trang trải, ổn định hơn. Thế nhưng nay chính quyền địa phương yêu cầu dỡ dọn, vợ chồng chị N. khốn đốn, chưa biết làm gì để kiếm sống.

“Bữa giờ nghe nói chợ đêm chuẩn bị dẹp nên cũng vắng khách. Buôn bán đã ổn rồi giờ kêu dẹp nhanh vậy sao mình trở tay kịp. Nói dẹp là dẹp thôi chứ không nghe là chợ mới ở đâu, hay buôn bán sẽ thế nào. Tôi chưa biết tính sao nữa” - Chị N. thanh thở.

Mưa bão cuối năm 2020 khiến khu sạp, hàng quán chợ đêm Sông Trà tang hoang. Nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương vừa đầu tư vài chục triệu đồng để sửa chữa buôn bán. Vì vậy, nhiều hộ kinh doanh hụt hẫng khi nghe tin khu dịch vụ du lịch dừng hoạt động. “Mình mới tiếp nhận bán được ba năm, đầu tư cũng hơn 300 triệu. Mưa bão năm ngoái cuốn hết, phải sửa sang lại hơn trăm triệu mới vừa hoàn thành thế mà giờ phải tháo dỡ. Nản lòng chứ sao không” - Chủ quán ăn đường Tôn Đức Thắng buồn bã.

Chị Xuân Hiền, tiểu thương bán quần áo cho biết, sau khi chợ Quảng Ngãi cháy năm 2012, chị cùng chồng dời qua chợ đêm bán buôn nuôi hai con ăn học. Nay gia đình chị chưa biết xoay trở, làm gì để tiếp tục kinh doanh khi bị thu hồi mặt bằng đột ngột. “Nếu dừng thì mình phải tìm nơi bán nữa chứ làm sao. Vừa dịch giã, rồi mưa bão liên tục chứ có yên đâu. Tới đâu rồi tính tới đó chứ sao bây giờ” - Chị Hiền than vãn. 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch, tháng 8-2011 UBND Thành phố Quảng Ngãi thu hút đầu tư hình thành chợ đêm Sông Trà. Khu dịch vụ mới với 90 gian hàng ẩm thực, 60 gian hàng thương mại trên trục đường Tôn Đức Thắng và tuyến cơ đê bao Nam Sông Trà. Sau nhiều giai đoạn tiếp quản, TP Quảng Ngãi tiếp tục cho công ty Triều Phát  tổ chức đầu tư, kinh doanh chợ đêm Sông Trà từ tháng 6-2017 đến tháng 5-2021. Hiện chợ đêm Sông Trà có 213 gian hàng, trong đó có 70 gian hàng thương mại, 143 gian hàng ẩm thực. Hơn 700 lao động chủ yếu là người dân địa phương, có nguồn thu nhập chính từ chợ đêm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của chính quyền địa phương, từ cuối năm 2018 đến nay đơn vị quản lý, đầu tư buông lỏng quản lý hoạt động kinh doanh. Một số hộ kinh doanh, buôn bán chợ đêm xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đơn vị quản lý không thực hiện nghĩa vụ thuế… Vì vậy ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi quyết định chấm dứt hợp đồng đầu tư, kinh doanh Chợ đêm Sông Trà với đơn vị quản lý và chuyển giao phường Lê Hồng Phong từ tháng 1-2021. Đồng thời quyết định dừng hoạt động khu dịch vụ du lịch này từ tháng 6-2021.

Sau gần 10 năm hình thành, vận động người dân địa phương cùng tiểu thương đầu tư, kinh doanh thì nay ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi quyết định dừng hoạt động chợ đêm Sông Trà. Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho biết “Phương án dừng chợ khu dịch vụ, kinh doanh chợ đêm Sông Trà chia làm ba đợt. Trong đó, nhóm hộ buôn bán hàng ăn, chiếm vỉa hè phải nghỉ bán trước 15-5; nhóm hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép di dời, tháo dỡ trước 30-1; nhóm kinh doanh còn lại, có hợp đồng dừng kinh doanh trước 30-6 năm nay”.

Các biện pháp dừng kinh doanh, hoạt động khu dịch vụ chợ đêm Sông Trà đang được tỉnh Quảng Ngãi triển khai. Tuy nhiên, các phương án về giải quyết buôn bán kinh doanh, hỗ trợ tiểu thương, bà con làm ăn tại khu dịch vụ, điểm đến du lịch này thì chưa được tính đến. Gần 700 lao động là người địa phương đứng trước nguy cơ khốn khó khi đột ngột dừng kinh doanh, buôn bán trong thời gian đến.

Ông Phạm Viết Ất, Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi cho biết, nguyện vọng của các tiểu thương là mong muốn được tiếp tục kinh doanh. Nếu dừng hoạt động các khu dịch vụ đêm bên sông Trà Khúc, gần 700 lao động địa phương không có việc làm, không có thu nhập gây khó khăn cho địa phương trong việc ổn định dân sinh.

“Các hộ xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, làm bậc tam cấp tự tạo lên xuống cơ đê phường đã yêu cầu các hộ tháo dỡ hết. Hiện chúng tôi đã giải quyết và hơn 50% hộ đã tháo dỡ, thực hiện đúng yêu cầu. Nếu được cho phép hoạt động chúng tôi sẽ sắp xếp lại gian hàng theo đúng phương án phê duyệt, không để lấn chiếm như trước” - Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong cho biết.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi quyết định dừng hoạt động chợ đêm Sông Trà. “Chợ đêm nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị nên chủ trương của tỉnh là dứt khoát dẹp chợ đêm. Từ ngày 31-5, tập trung tháo dỡ và chậm nhất là ngày 30-6 phải dừng hoạt động” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cương quyết.

Cùng với quyết định “khai tử” khu dịch vụ, du lịch chợ đêm Sông Trà, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định 72/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, quy hoạch quản lý các hoạ động kinh tế ban đêm gắn liền với quy hoạch du lịch, dịch vụ, ăn uống, mua sắm… Đồng thời, rà soát, quy hoạch các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm ở huyện đảo Lý Sơn; vùng biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh; TP Quảng Ngãi tại các địa điểm quảng trường, bảo tàng, công viên Ba Tơ, hai bên bờ sông Trà Khúc bao gồm khu vực chợ đêm hiện hữu.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng triển khai nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm. Đồng thời, thí điểm thực hiện và kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm; kêu gọi đầu tư du thuyền, nhà hàng nổi khu Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hoàn thành; cho phép kéo dài hoạt động từ 18 giờ  đến 6 giờ sáng hôm sau tại khu vực chợ đêm Sông Trà…

Hình thành chợ đêm Sông Trà, một trong những điểm đến của người dân và khách du lịch khi đến tỉnh Quảng Ngãi là cả quá trình và xuyên suốt mươi năm qua. Đây cũng là nơi an sinh, có ý nghĩa quan trọng với những tiểu thương, hộ kinh doanh gắn bó nhiều năm. Chấn chỉnh những bất cập, tồn tại là cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị, an ninh trật tự. Và việc dừng hoạt động cần có lộ trình bài bản, rõ ràng và trách nhiệm với những tiểu thương gắn bó, đồng hành với khách du lịch.

“Chúng tôi vẫn mong chờ được kinh doanh, buôn bán phục vụ khách du lịch với những trải nghiệm ban đêm. Cái nào chưa được thì mình sửa, chấp hành. Làm sao đó bà con có cơ hội được buôn bán, có thu nhập là điều cần thiết nhất” - Một tiểu thương chia sẻ.