Nhiều dự án, công trình còn chờ trên giấy
Nhiều người dân thuộc phường Mỹ Ðình 2, quận Nam Từ Liêm gần 18 năm nay mong chờ dự án khu dịch vụ thương mại Mỹ Ðình hoàn thành, nhưng càng chờ càng vô vọng. Từ năm 2002, thành phố đã giao hơn 10 nghìn m2 đất cho Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Ðình làm chủ đầu tư xây dựng dự án, song đơn vị lại cho một số công ty thuê lại, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Ðất đai.
Hiện khu đất đã bị biến thành điểm trông giữ xe và cho thuê kinh doanh hàng quán. Nhiều năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri từ phường tới quận, thành phố, cử tri đã nhiều lần phản ánh vấn đề này, đơn thư khiếu nại đã được gửi đi nhiều cơ quan, nhưng vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ông Vũ Mạnh Thắng, cử tri phường Mỹ Ðình 2, quận Nam Từ Liêm bức xúc phản ánh: Phường Mỹ Ðình 2 đang thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh, các không gian công cộng, trong khi nhiều diện tích đất bị sử dụng sai mục đích. Chúng tôi đề nghị thành phố và quận cương quyết xử lý dứt điểm các sai phạm.
Tại huyện Thanh Oai, dự án xây dựng cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên thuộc các xã Bình Minh, Cao Viên và Bích Hòa có diện tích 28 ha, sau gần 12 năm triển khai vẫn "án binh bất động". Mặc dù doanh nghiệp đã nhận bàn giao đất trên địa bàn xã Bích Hòa, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng. Trong khi đó, diện tích đất còn lại nằm trên địa giới hành chính hai xã Cao Viên và Bình Minh chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Dự án chậm trễ do doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các sở, ngành và không phối hợp địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng. Cử tri ba xã đều muốn biết rõ doanh nghiệp có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không để người dân yên tâm sản xuất.
Một nội dung khác được nhiều cử tri TP Hà Nội kiến nghị nhiều năm nay nhưng vẫn chậm chuyển biến. Ðó là việc di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành. Theo thống kê, thành phố hiện còn 117 cơ sở phải di dời. Quận Long Biên có 17 cơ sở không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, trong đó khu vực Tổng kho xăng dầu Ðức Giang có hơn 4.600 m2 đất được quy hoạch là đất hỗn hợp nhà ở, cây xanh và bãi đỗ xe nhưng hiện nay vẫn được sử dụng làm kho xăng. Tại quận Ðống Ða có 13 cơ sở không phù hợp quy hoạch, trong đó có khu đất của Công ty cổ phần Xây lắp và cơ khí cầu đường, số 460 phố Trần Quý Cáp (phường Văn Chương). Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi di dời, công ty đã cho thuê gần 3.400 m2 nhà xưởng để làm kho bãi, xưởng in ấn, giặt là, xưởng sản xuất nước ngọt, bánh mì… ngày đêm xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực. Cử tri nơi đây đã kiến nghị, phản ánh nhiều lần, nhưng những vi phạm ở đây chưa được xử lý dứt điểm.
Truy trách nhiệm, yêu cầu xử lý dứt điểm
Sáng 5-6, Thường trực Hội đồng nhân dân (HÐND) TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HÐND của HÐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố.
Theo Nghị quyết số 14, HÐND thành phố yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo giải quyết 397 vụ việc, trong đó, có 114 vụ khiếu nại; 180 vụ tố cáo; 103 vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15 của Thành ủy. Sau hai năm triển khai, đến nay các cấp, các ngành của Hà Nội đã giải quyết được 79 khiếu nại, đạt 69,2%; 82 vụ tố cáo, đạt 45,5%; giải quyết các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15 của Thành ủy thêm được 46 vụ. Như vậy, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của cử tri dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân chậm trễ là do sự phối hợp, kết hợp giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị chưa chủ động, chưa quyết liệt, nhất là ở cấp quận, huyện. Nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận chưa được xử lý dứt điểm như vi phạm tại công trình 8B phố Lê Trực (quận Ba Ðình), di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành, xử lý các dự án chậm tiến độ... Dẫn chứng hàng loạt các vụ việc, nổi cộm gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, các đại biểu HÐND yêu cầu UBND thành phố, các quận, huyện, sở, ngành xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, rõ lộ trình và thời gian thực hiện. Ðại diện Thanh tra thành phố cho biết, lực lượng Thanh tra thành phố sẽ tích cực hơn trong việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận giải quyết tố cáo, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý và mọi quyết định giải quyết khiếu nại phải được thực hiện.
Phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết: hơn 94% số nội dung kiến nghị của cử tri thông qua đại biểu HÐND, Quốc hội đã được thành phố tiếp nhận, giải quyết. Số lượng vụ việc liên quan các đơn thư khiếu nại của người dân đều được giải quyết đạt hơn 80%. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra công vụ, giao các cơ quan tiếp tục thực hiện đúng các lịch tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc. Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ Tòa án nhân dân thành phố xử lý, xét xử những vụ việc khiếu kiện phức tạp; phối hợp Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức tốt các tổ hòa giải ở các phường, xã, tập trung giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Ðể tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên rà soát, tiếp thu kiến nghị thông qua các kênh; phân loại, phân công, phân cấp để xử lý thỏa đáng. Với các vụ việc tồn đọng, phần lớn là các việc khó, kéo dài lâu năm hiện tập trung ở các quận, huyện, các cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại với người dân, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết đơn thư để sớm xử lý dứt điểm, tạo đồng thuận trong nhân dân.