Cần giải pháp đột phá trong phát triển giao thông đô thị

Từ năm 1954 đến nay, thành phố Hà Nội đã trải qua bốn lần điều chỉnh địa giới, nhiều lần phê duyệt quy hoạch chung, nhưng thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Thủ đô vẫn còn nhiều bất cập, cần phải có những giải pháp đột phá trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực tuyến đường Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi. (Ảnh Minh Hà)
Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực tuyến đường Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi. (Ảnh Minh Hà)

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện, trong đó có 1,1 triệu xe ô-tô; 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là hơn 10%/năm đối với ô-tô, hơn 3%/năm đối với xe máy. Bên cạnh đó, còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố. Hiện tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị của Hà Nội đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của quy hoạch là từ 20%-26%), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26%-0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi đó tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011-2020 là khoảng 2,48%/năm.

Áp lực giao thông gia tăng, cho nên thời gian qua, dù thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông, nhưng thực trạng hệ thống giao thông đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, nhiều tuyến đường của Thủ đô chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế… Cá biệt, các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào giờ cao điểm lưu lượng phương tiện vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế; nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, cho nên thường xuyên bị ùn tắc...

Tại hội thảo "Giao thông đô thị thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp" do Ban Ðô thị Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải vừa tổ chức, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng, các đầu mối giao thông của Thủ đô hiện đang nằm trong nội đô là một trong những nguyên nhân khiến khó cải thiện ùn tắc giao thông. Do đó, trong tương lai, Hà Nội cần xác định lõi đô thị ở đâu để quy hoạch đầu mối giao thông, cần có tầm nhìn xa ở các vành đai. Mặt khác, việc lập quy hoạch đầu mối giao thông cần có tầm nhìn xa ở các vành đai và thành phố cần lên kịch bản cho việc phát triển năm quận mới.

Cùng với đó, các chuyên gia đề nghị thành phố cần quan tâm hơn nữa tới công tác quản lý chất lượng công trình, đầu tư phát triển giao thông tĩnh, tổ chức giao thông tại các bến xe ô-tô, bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt, chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông hiện đại...

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Giao thông đô thị ở Hà Nội luôn là vấn đề nóng và giải pháp cần xác định là tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến ùn tắc hiện nay. Việc quản lý giao thông phải song hành với quản lý phát triển dân số đồng bộ.

Liên quan đến tình trạng quá tải giao thông tại Thủ đô, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với địa phương trong quá trình lập các quy hoạch bảo đảm phương án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng. Thực hiện nghiêm quy định đất dành cho giao thông chiếm từ 16%-26% diện tích xây dựng đô thị, bảo đảm hệ thống giao thông cân bằng giữa cầu và cung. Ðáng chú ý, song song với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công để sớm đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như: đường vành đai 4 Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, thành phố cần nâng cao hiệu quả kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị, giữa vận tải công cộng nội đô với vận tải liên tỉnh...