Hội thảo khẳng định, với kinh phí hoạt động khuyến công cho vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn 2008 – 2012 là 310 tỷ đồng, vai trò khuyến công đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp nông thôn. Đặc biệt là công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển làng nghề; các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và các chương trình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật xây dựng nông thôn mới từng bước nâng cao đời sống người dân.
Cụ thể, chương trình khuyến công đã hỗ trợ, đào tạo lao động mới hơn 17 ngàn học viên thuộc các ngành nghề như: điện tử gia dụng, điện lạnh, may công nghiệp, mộc, đan lát; hỗ trợ, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.300 học viên; hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 700 học viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ, xây dựng 33 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới; hỗ trợ 68 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; thực hiện 20 quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, kết quả của chương trình khuyến công trong việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong vùng Đông Nam bộ vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó cần chú trọng, đầy mạnh việc lồng ghép chương trình hoạt động khuyến công với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội; có chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân...