Thực hiện trách nhiệm của mình, thời gian qua Mỏ sắt Trại Cau đã tiến hành đền bù, hỗ trợ đối với những thiệt hại, ảnh hưởng do mình gây ra. Cụ thể, đó là với sự giám sát, thẩm định của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các hộ có nhà cửa, công trình xây dựng bị nứt, có nguy cơ mất an toàn cao đã được đền bù và di chuyển đến nơi ở mới. Các hộ bị mất nước sinh hoạt, đã được lắp đặt công trình cấp nước. Những việc làm này nhận được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương.
Tuy vậy, với hơn 30 héc-ta đất cấy lúa và sản xuất hoa màu tại 619 thửa của 187 hộ ở cánh đồng hai xóm Kim Cương, Cây Thị thuộc xã Cây Thị và tại tổ 14, 16 thuộc thị trấn Trại Cau thì việc hỗ trợ sản lượng lương thực cần phải tính toán cho phù hợp với thực tế, công bằng đối với các bên liên quan.
Tình trạng sụt thành những hố diễn ra tại một số thửa ruộng của một số hộ gia đình, những thửa bị sụt thì người dân đã đắp bờ chung quanh hố sụt và việc cấy lúa, canh tác hoa màu vẫn diễn ra bình thường trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo phương án hỗ trợ sản lượng lúa trên diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, mức hỗ trợ là 100% sản lượng đối với toàn bộ hơn 30 héc-ta là chưa hợp lý so với thực tế.
Về việc này, thời gian vừa qua, Mỏ sắt Trại Cau và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Đồng Hỷ đề nghị xem xét, đánh giá thực trạng sụt đất canh tác để có phương án hỗ trợ, đền bù sản lượng phù hợp với thực tế. Cụ thể, ngày 3-9 vừa qua, Mỏ sắt Trại Cau có Văn bản số 404/TC gửi UBND huyện Đồng Hỷ, nêu rõ: Hầu hết các thửa đất của xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau vẫn trồng, cấy ổn định. Do đó, đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ thành lập tổ công tác kiểm tra, xác định tỷ lệ hỗ trợ cho phù hợp với thực tế.
Việc hỗ trợ, đền bù sản lượng bị thiệt hai do sụt đất là cần thiết, nhưng việc xác định mức hỗ trợ, đền bù cần phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.