Diễn đàn chủ nhật

Cần đầu tư nghiêm túc cho sân khấu

Từ trước đại dịch Covid-19, có một thực tế là sân khấu đã lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu vắng khán giả và vấn đề càng trầm trọng hơn ở giai đoạn hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục rối đã giới thiệu nét độc đáo của sân khấu Việt Nam. (Ảnh Minh Giang)
Tiết mục rối đã giới thiệu nét độc đáo của sân khấu Việt Nam. (Ảnh Minh Giang)

Sân khấu không còn là "thánh đường" nghệ thuật lôi cuốn công chúng tìm đến như từng có ở thời hoàng kim không xa. Sau ba năm dịch bệnh, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn thì sân khấu lại càng khó khăn gấp bội. Việc thiếu hụt khán giả khiến nguồn thu bán vé thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nghệ sĩ, diễn viên. Trong khi các nhà hát công lập có sự ổn định nhất định về lương và cơ sở vật chất rạp hát, còn các đơn vị xã hội hóa, nhất là phía nam đang thật sự lâm vào thế khó phải sáp nhập, tạm dừng hoạt động, thậm chí là giải tán bởi nguồn đầu tư và nguồn thu hạn chế hoặc không có, giá thuê rạp cao, vở diễn ngày càng ít người xem, không thể mãi trông chờ vào biểu diễn kiểu mùa vụ.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, một trong những nguyên nhân của việc khán giả không mặn mà đến rạp hát và sân khấu không còn sức lôi cuốn như trước là cuộc đua cạnh tranh của các loại hình giải trí đa phương tiện, sự lấn chiếm của truyền thông, truyền hình. Ðối mặt thực trạng này, bản thân hoạt động sân khấu chưa thật sự hấp dẫn và chưa đổi mới, đa dạng hình thức quảng bá để đủ sức thu hút công chúng. Không ít rạp hát dành cho sân khấu mang tính chuyên biệt giờ xuống cấp và phải kết hợp các loại hình dịch vụ vui chơi, âm nhạc, chiếu phim thì mới trụ được, trở thành nỗi buồn cho những người làm nghề. Khó khăn khiến nhiều nhà viết kịch, đạo diễn và nghệ sĩ tài năng không thể chuyên tâm đầu tư cho tác phẩm, diễn xuất, phải kết hợp hoặc chuyển sân sang các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Trong khi đó, nhiều đơn vị nỗ lực dựng vở chiều theo thị hiếu để hút khán giả lại rơi vào tình trạng giảm sút chất lượng vở diễn, thừa vở giải trí khiến công chúng cảm thấy nhàm chán, không đến rạp, tác động không nhỏ đến những đơn vị dựng vở nghiêm túc, có tính nghệ thuật. Ðó cũng là một phần lý do mà nhiều vở diễn được giới làm nghề đánh giá cao, nhưng sau ra mắt thì chỉ diễn được vài buổi là phải "xếp kho", gây lãng phí.

Hiện trạng nữa là có các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ chạy theo xu hướng công nghệ, thường xuyên tung lên mạng xã hội hoặc thông qua các nền tảng công nghệ giới thiệu vở diễn hay tiết mục của mình. Tuy có mặt tốt là quảng bá nhanh, lan tỏa rộng, song cũng phần nào đang góp phần tạo nên thói quen lười đến rạp của công chúng bởi thưởng thức một vở diễn sân khấu kiểu gián tiếp như vậy không thể bao quát, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của vở diễn cùng không gian cảm xúc như đến xem tại các rạp hát.

Thực trạng nêu trên đặt ra nhiều vấn đề mà những người làm sân khấu cần giải quyết để từng bước đưa hoạt động sân khấu trở lại con đường phát triển đúng hướng và bền vững. Sân khấu vẫn có khán giả và nhiều người yêu thích, mến mộ, nhưng cái cần là làm gì để họ trở lại đông hơn, để các sân khấu được "đỏ đèn" thường xuyên.

Trong cuộc cạnh tranh để thu hút công chúng, các loại hình nghệ thuật, giải trí đa phương tiện có thế mạnh chuyển tải nhanh thông tin và các vấn đề thời sự, bám sát đời sống, nhưng sân khấu lại có ưu điểm không chỉ là phản ánh, nêu cái bề mặt mà còn đề cập các vấn đề của xã hội, của đất nước theo chiều sâu, có tính dự báo và hướng giải quyết, nêu bật được thông điệp chuyển tải và tính tư tưởng bằng nghệ thuật tổng hợp của nhiều loại hình. Sân khấu mang đến cảm xúc sâu sắc, giúp khán giả nâng cao khả năng cảm thụ thẩm mỹ, củng cố niềm tin về cuộc sống.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, để làm được điều này, sân khấu phải tạo được dấu ấn và phong cách sáng tạo, mang tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống, chạm đến những góc khuất của xã hội và ở mỗi người, đồng thời phải có tính dự báo cao. Việc nhiều vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ đã có cách đây hàng chục năm và cả những vở kịch kinh điển của các tác giả nước ngoài hàng trăm năm trước được một số đơn vị dựng lại thời gian qua với hàng trăm buổi diễn, cho thấy sân khấu vẫn thu hút được khán giả, nếu đó là những vở diễn có chất lượng nghệ thuật, mang tính thời đại và giá trị nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh yếu tố giải trí được xử lý phù hợp, đáp ứng nhu cầu công chúng, hoạt động sân khấu nước ta cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả. Cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, sân khấu vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất và chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng từ sáng tác, đạo diễn cho đến diễn viên. Chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước và qua các kênh hợp tác thì các nghệ sĩ mới có điều kiện tham quan, học tập từ những nước có nền sân khấu phát triển.

Về lâu dài, ngành sân khấu cần chủ động xây dựng lực lượng công chúng cho mình mà không gì hơn là phối hợp ngành giáo dục đưa sân khấu đến với học đường, xây dựng thói quen thưởng thức tác phẩm sân khấu ở học sinh, từng bước tạo dựng khán giả cho mai sau.