Cần có luật cho khu công nghiệp, khu kinh tế

Thông qua diễn đàn “Phát hiện nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-Vai trò của Kiểm toán Nhà nước” được tổ chức mới đây, Kiểm toán Nhà nước và các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất văn phòng phẩm tại Công ty TNHH Deli Việt Nam trong Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh DUY ĐĂNG)
Sản xuất văn phòng phẩm tại Công ty TNHH Deli Việt Nam trong Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh DUY ĐĂNG)

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần cụ thể hóa bằng luật đối với lĩnh vực này, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực về công nghệ, vốn, nhân lực từ bên ngoài, góp phần tạo ra những động lực tăng trưởng mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về khu công nghiệp, khu kinh tế; quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Tỷ lệ lấp đầy đạt 57%

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là yếu tố góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động...

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2022, cả nước đã có 407 khu công nghiệp, khu kinh tế được hình thành tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, hoạt động đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Lê Thành Quân chỉ ra tám nút thắt cơ bản trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay là:

  • Thể chế chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế-xã hội;
  • Chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu;
  • Khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy;
  • Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu;
  • Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu;
  • Tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế ở Trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra...

Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện mới chỉ đạt hơn 57% là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế rất băn khoăn.

Từ thực tế này, ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề xuất cần đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất đã bảo đảm thông thoáng hay chưa, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm toán, thanh tra, giám sát việc thực thi các chính sách này.

Hoàn thiện thể chế pháp luật

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai hơn 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có sáu cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế...

Từ đó làm rõ những bất cập, hạn chế của chính sách và đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khai thác các nguồn lực cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Sự chồng chéo, vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện hành được đánh giá là một trong những nút thắt cơ bản đối với quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước.

TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II cho biết, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế là Nghị định nhưng các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu được ban hành trong các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… với nhiều điểm chưa được quy định rõ ràng, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần xây dựng luật riêng cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật liên quan, tạo khung pháp lý thống nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã đánh giá, tổng kết quá trình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế từ năm 1991 đến nay và chia thành bốn giai đoạn theo các thời kỳ, làm căn cứ hướng đến xây dựng, hoàn chỉnh khung pháp lý.

Việc xây dựng luật riêng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, không chỉ với đối tượng điều chỉnh là khu công nghiệp, khu kinh tế mà còn bao gồm cả các khu công nghệ cao để điều chỉnh và áp dụng thống nhất trong cả nước về cách tiếp cận, trình tự thủ tục, ưu đãi, đặc biệt là mô hình quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế ở địa phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quy hoạch, bởi đây là nền tảng của sự phát triển bền vững và bảo đảm các chính sách pháp luật được thực thi tốt, đem lại hiệu quả cao.

Quan điểm xây dựng Luật là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế.

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)