Cùng suy ngẫm

Cần có giải pháp hợp lý để nâng cao truyền thông chính sách trong văn hóa

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách nói chung; riêng trong lĩnh vực văn hóa, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, vừa phổ biến tuyên truyền vừa định hướng dư luận. Thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác truyền thông chính sách, đòi hỏi ngành Văn hóa phải có những giải pháp hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Truyền thông chính sách đến người dân thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí. (Ảnh: tuyengiao.vn)
Truyền thông chính sách đến người dân thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí. (Ảnh: tuyengiao.vn)

Ðể thực hiện tốt những mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều nội dung quan trọng, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” theo Quyết định số 407/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 30/3/2022), mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về truyền thông chính sách. Hội nghị nhằm mục đích nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng về truyền thông chính sách cho cán bộ, công chức các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí.

Chính sách văn hóa được hiểu là hệ thống các nguyên tắc và thực hành được Nhà nước quy định nhằm quản lý và phát triển đời sống văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trên cơ sở vận dụng các điều kiện vật chất và tinh thần sẵn có của xã hội. Thực hiện tốt các chính sách văn hóa chính là tạo tiền đề, động lực cho chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Sau khi các chính sách văn hóa được ban hành, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đưa chính sách vào cuộc sống. Truyền thông chính sách giúp cho mỗi người dân hiểu được vai trò của mình, phát huy quyền làm chủ xã hội trong chấp hành chính sách, từ đó cùng Nhà nước tham gia quản lý xã hội, đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách.

Ðược hiểu như một khâu trung gian, truyền thông có vai trò đánh giá và giám sát công tác thực thi chính sách, định hướng và thu hút sự đồng thuận của người dân với các chính sách văn hóa được Nhà nước ban hành. Khi các chính sách ban hành hợp lòng dân, công tác tổ chức khoa học, được sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông hiện đại, từ các kênh báo chí chính thống đến mạng xã hội và các nền tảng công nghệ chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Sự thành bại của chính sách văn hóa phụ thuộc không ít vào công tác truyền thông, nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay.

Dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng phải thừa nhận một thực tế, truyền thông chính sách trong văn hóa vẫn còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ. Cụ thể: nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân chưa cao, truyền thông chưa kịp thời, thiếu tính sáng tạo, năng lực của đội ngũ cán bộ truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Những hạn chế đó đòi hỏi ngành Văn hóa phải đổi mới phương pháp truyền thông, thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp. Cần đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của truyền thông chính sách trong văn hóa. Việc chủ động phát huy vai trò của truyền thông hiện đại trong ban hành cũng như thực thi chính sách, cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch đến người dân đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Ðể tránh những dư luận xấu, tình trạng tin giả, tin thất thiệt gây khó khăn cho công tác ban hành và thực thi chính sách đã từng xảy ra thời gian qua, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách trong văn hóa nói riêng luôn phải đi trước một bước. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa cần được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân thực hiện, trao đổi, giám sát, kiểm tra. Phương pháp truyền thông cần tính khoa học, chuyên nghiệp, phù hợp với từng đối tượng chính sách, khách quan về nội dung nhưng sáng tạo trong hình thức thì mới có thể thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Cần ưu tiên công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ truyền thông, bởi xét cho cùng, muốn truyền thông chính sách tốt phải có nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, am hiểu về văn hóa.