Phóng viên (PV): Thưa ông, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển của xã hội, văn hóa làng-yếu tố từng được coi là nền tảng của văn hóa Việt, đang có vị thế như thế nào trong đời sống?
PGS, TS Bùi Xuân Đính: Ngày nay, văn hóa làng vẫn là bộ phận không thể thiếu được trong đời sống, trong các sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp cư dân, không chỉ ở những vùng sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, mà cả ở những vùng mà kinh tế đang có sự chuyển biến rất sâu sắc trước tác động của sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cho đến hiện nay, tỷ lệ dân cư ở đô thị đã tăng lên, nhưng vẫn có gần 70% dân số đang cư trú ở nông thôn, hơn 30% dân số đang cư trú ở đô thị. Trong đó, xin nhớ rằng, phần lớn là các đô thị mới được hình thành, với một bộ phận lớn các phường, quận vốn là các làng quê vội vã lên đô thị, nhất là thời kỳ chúng ta đô thị hóa ào ạt, khoảng những năm 1996, 1997. Người nông dân chỉ sau một đêm bỗng thấy mình trở thành “thị dân” một cách ngỡ ngàng. Cho nên, văn hóa, lối sống của các làng quê vẫn còn đậm nét ở các cộng đồng cư dân nhiều khu vực đô thị, và vẫn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày, trong cách ứng xử của con người, trong nếp sống, cả trong đời sống chính trị-xã hội.
Từ một khía cạnh khác, văn hóa làng vẫn hiện diện với đầy đủ yếu tố truyền thống, đó là hệ thống các di tích đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ các dòng họ... ngày càng có điều kiện để phục hồi, tu bổ, chỉnh trang khang trang hơn. Chính hệ thống di tích đó làm cho văn hóa làng có sức sống. Cùng với đó là các lễ thức tín ngưỡng, các ngày hội làng, các sinh hoạt văn hóa dân gian vẫn được bảo tồn... Đó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của người dân các thế hệ.
PV: Qua những “cơn địa chấn” lớn như đại dịch Covid-19, nhiều người mới nhận ra là, ở những thời điểm gian nan, làng vẫn là yếu tố bệ đỡ cho sự ổn định của quốc gia, cho đến cá nhân. Và cũng vì vậy, người ta mới nhận thấy, dường như chúng ta chưa chú ý đầy đủ đến cái bệ đỡ ấy?
PGS, TS Bùi Xuân Đính: Đúng là như vậy. Vì một trong những nét đặc trưng nhất của làng quê Việt, của người nông dân Việt là tính cố kết, tính đùm bọc-đặc biệt nổi rõ khi gặp khó khăn, khi có chiến tranh, thiên tai, địch họa. Qua cơn đại dịch, một lần nữa cho thấy rõ, tính cố kết, đùm bọc của cộng đồng là yếu tố không bao giờ mất đi, mà trong điều kiện tiềm lực kinh tế đã phát triển hơn, thì sự đùm bọc lại được nâng cao hơn. Đại dịch Covid-19 như một cuộc thử lửa tinh thần đùm bọc, truyền thống đùm bọc của làng xã Việt. Theo tôi, đó là sức mạnh vô biên.
PV: Đảng, Nhà nước ta đã rất ý thức về vị trí quan trọng của văn hóa làng, với nhiều chính sách, chương trình lớn để hỗ trợ nông thôn phát triển. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách đều lấy đơn vị hành chính cấp xã là đơn vị cơ sở, trong khi, đối với văn hóa, thì làng mới là đơn vị cơ sở có ý nghĩa, với nhiều đặc tính riêng. Chính điều đó đã làm hạn chế hiệu quả của nhiều chương trình. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
PGS, TS Bùi Xuân Đính: Ở đây thì phải xét một cách khách quan. Xã thời phong kiến là dựa trên cơ sở một làng, như các cụ ta nói là “nhất xã nhất thôn”. Điều đó phù hợp trong điều kiện kinh tế và trình độ quản lý ngày xưa. Nhưng ngày nay, điều kiện kinh tế, mục tiêu phát triển kinh tế đã khác, hệ thống quản lý cũng khác, nên một xã hiện nay gồm rất nhiều làng. Về phương diện quản lý kinh tế-xã hội thì phải lấy xã làm đơn vị cơ sở trọng điểm.
Tôi đồng ý là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, người ta đã quy hoạch nông thôn, các công trình công cộng, đường giao thông... thì lấy đơn vị xã, cái đó đúng. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng rất chú trọng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở thôn, làng. Đình chùa, đền miếu được tu bổ với nguồn lực rất lớn - điều mà người nông dân trước đây có mơ cũng không có được. Các làng cũng được đầu tư xây dựng trụ sở của thôn làng, gắn với nhà văn hóa của thôn làng. Giữa yếu tố mới- cũ có sự đan xen, đó là điều rất tích cực.
Tuy nhiên, về phương diện văn hóa thì nếu lấy xã làm chuẩn là không hợp lý, mà văn hóa phải lấy làng. Vì mỗi làng có đầy đủ các thiết chế của tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, của đùm bọc, cố kết cộng đồng... Xã chỉ là sự cố kết của các cộng đồng làng.
PV: Như vậy, đối với chính sách hỗ trợ, phát triển văn hóa, nên được thiết kế lại, hay điều chỉnh để phù hợp với nhận thức về vị trí của yếu tố làng trong phát triển?
PGS, TS Bùi Xuân Đính: Thật ra thì cũng chẳng cần phải thiết kế lại. Chúng ta chỉ cần lấy đơn vị làng làm yếu tố quy hoạch văn hóa trên cơ sở tận dụng những cái đã có, bổ sung những cái chưa đủ, chưa phù hợp. Hệ thống di tích cần được tu bổ, mở rộng, nâng cấp. Điều nữa là các lễ thức, nhất là các lễ hội có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo cần phải được duy trì, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện được các kịch bản hội tương đối chuẩn chỉnh. Như hiện nay có nhiều lễ hội đang bị tổ chức sai đấy. Nên cần rà soát lại. Đặc biệt, vốn văn nghệ dân gian của địa phương cần được đầu tư phục hồi, trong đó phải chú trọng các nghệ nhân dân gian-những báu vật nhân văn sống đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Công tác sưu tầm văn hóa từng làng quê cũng cần tiến hành gấp rút và cẩn trọng.
Đó là những chính sách tưởng như là nhỏ, nhưng cần được coi là rất lớn đối với sự phát triển của văn hóa làng. Và những việc đó phải lấy làng làm đơn vị, chứ không phải lấy xã, vì nhiều giá trị nằm ở mỗi làng.
PV: Với sự phát triển của xã hội hiện nay, có những thành tố của văn hóa làng đã không còn phù hợp, thậm chí kìm hãm sự phát triển. Vậy, theo ông, cần định hình lại sự phát triển của văn hóa làng theo hướng nào?
PGS, TS Bùi Xuân Đính: Đứng về phương diện truyền thống thì có nhiều yếu tố chúng ta cần chú trọng, giữ gìn, đó là tôn ti trật tự, tình thương trong gia đình, rồi ra đến cộng đồng, làng xã. Mặc dù gia đình hiện nay cũng đang chịu nhiều tác động và có sự biến đổi, song gia đình hạt nhân và dòng họ truyền thống vẫn đề cao tính tôn ti trật tự. Có tôn ti trật tự từ quy mô nhỏ nhất thì khi ra ngoài xã hội mới tuân thủ luật pháp được. Tình thương yêu con người từ trong gia đình cũng là điều cần hết sức giữ gìn.
Điều tiếp theo, gắn với kỷ cương gia đình là kỷ cương làng xã, tuy rằng nó mang yếu tố phong kiến, nhưng là điều phải có, nó gắn với phép lịch sự tối thiểu, như người trẻ phải tôn trọng người già, già thì cũng không được cậy thế để chèn ép trẻ. Rồi yếu tố cố kết cộng đồng. Khi một cá nhân hoặc cộng đồng gặp khó khăn thì phải giúp đỡ nhau, người không khó khăn giúp người khó khăn, người khó khăn ít giúp đỡ người khó khăn nhiều…
Chúng ta đừng coi văn hóa làng là cái gì xa lạ, lạc hậu, không phù hợp. Nó vẫn còn những nhân tố rất thích hợp, rất tích cực đối với sự phát triển của nông thôn nói riêng, cũng như với xã hội nói chung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PGS, TS Bùi Xuân Đính: “Hiện nay có tình trạng ở nhiều làng, xã việc biên soạn địa chí, lịch sử Đảng được tiến hành theo mẫu, thiếu sự điều tra cẩn thận nên đọc cứ na ná như nhau, không thấy được yếu tố riêng của địa phương”.