Cần cơ chế đặc thù huy động vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3

NDO -

Chiều 11/3, diễn ra Hội thảo Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, áp dụng cho dự án này. 

Hội thảo chiều 11/3 có sự tham gia của các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Hội thảo chiều 11/3 có sự tham gia của các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, các bộ, ngành Trung ương, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các chuyên gia, hội nghề nghiệp tham dự hội thảo. 

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đi qua các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. 

Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương trên đã kiến nghị Quốc hội bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương theo tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An. 

Trong đó, ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (17.146,563 tỷ đồng) cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An theo cơ cấu nguồn vốn và tiến độ thực hiện dự án. 

Đồng thời, cho phép sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến đường có tính chất liên vùng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Ngân sách Nhà nước) bố trí theo tỷ lệ: 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và 25% tổng mức đầu tư các dự án thành phần đối với tỉnh Long An.

Với tầm quan trọng của dự án, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, tuyến đường Vành đai 3 là tuyến đường giao thông cốt lõi để phát triển kinh tế vùng và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là cực tăng trưởng rất mạnh. Trên thực tế từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đô thị thuộc 17 vùng đô thị phía nam nhưng các đô thị này không phát triển được vì không gian không kết nối. Hạn chế này không chỉ làm ảnh hưởng đến phát triển đô thị nói chung mà còn gây ra điểm nghẽn phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Nhà nước đầu tư cho giao thông chính là cách hỗ trợ thiết thực nhất, tạo sự đột phá giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên tạo cơ chế đặc thù, tạo sự chủ động cho TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh có dự án Vành đai 3 đi qua thực hiện cơ chế phát hành trái phiếu đầu tư hạ tầng để tạo quỹ đầu tư; có thể tạo một hành lang pháp lý ổn định về thu hút nguồn vốn, đấu thầu, chỉ định thầu để các địa phương thực hiện các dự án giao thông trọng điểm khác như Vành đai 4, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài… Đồng thời, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Cần cơ chế đặc thù huy động vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 -0
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu mở đầu Hội thảo. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dự kiến đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn đem lại lợi ích cho các hoạt động kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa… ở khu vực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. 

Dự án đường Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 và Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Đường Vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuyến đường đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến là 91,64 km. Tổng mức đầu tư của dự án đường vành đai 3 là 75.777 tỷ đồng; trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 42.000 tỷ đồng.