Rạng sáng 29/6/2023, một đoạn bờ ta-luy của công trình trên đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng bất ngờ đổ sập. Hàng nghìn mét khối đất đá đổ tràn xuống phía dưới gây hư hỏng, vùi lấp ba căn nhà 3-4 tầng, lán trại, làm hai người chết, năm người bị thương. Hạng mục ta-luy bị sạt lở đã xây xong cách đây khoảng một năm theo giấy phép do UBND thành phố Ðà Lạt cấp. Tổng chiều dài ta-luy trong hồ sơ là 381 m, cao 13,4 m (giật thành ba cấp từ 4 đến 4,7 m). Khu đất bị sạt lở rộng hơn 3.000 m2, do bốn hộ dân sở hữu.
Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đang cho đắp đất để tạo mặt bằng thi công. Sau khi sự việc xảy ra, Công an thành phố Ðà Lạt khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Ðiều 298 Bộ luật Hình sự, khởi tố Giám đốc công ty thi công và người giám sát công trình bờ ta-luy. Theo kết quả điều tra bước đầu, tại công trình này có nhiều dấu hiệu vi phạm từ khâu quản lý, cấp phép, đến khâu thi công. UBND tỉnh Lâm Ðồng cũng ra quyết định đình chỉ chức vụ của một số cán bộ liên quan để xem xét trách nhiệm khi để xảy ra sự cố.
Trước đó, vào khoảng 2 giờ 20 phút ngày 30/4/2023, bờ kè khu vực Tổ 4, phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) bất ngờ đổ ập xuống khiến hàng chục mét khối đất đá tràn vào nhà bà Trương Thị Hoa. Lúc này, bà Hoa cùng con trai, con dâu và hai cháu nhỏ đều ngủ trong nhà. Vụ việc quá bất ngờ khiến chị Trương Thị Nga (sinh năm 1994) cùng hai con nhỏ là các cháu Dương Yến Nhi (sinh năm 2018), Dương Anh Ðức (sinh năm 2019) bị đất đá đè trúng, gây tử vong; bà Hoa và con trai là anh Dương Trung Hiếu (sinh năm 1992) bị thương.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn khẩn gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố Cao Bằng phối hợp các đơn vị chức năng nhanh chóng điều ra làm rõ nguyên nhân sự cố. Qua công tác giám định, bờ kè xây sai thiết kế, không đúng quy định chiều cao và có dấu hiệu bất thường.
Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, việc thi công công trình xây dựng tại các khu vực có độ dốc cao, nền đất yếu dễ dẫn đến những sự cố như sạt lở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là vào mùa mưa. Do vậy, tại những khu vực này đòi hỏi phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu khảo sát địa chất, thiết kế và thi công. Trong khi đó, việc chủ quan, thiếu ý thức trong quá trình khảo sát, cấp phép xây dựng và buông lỏng công tác kiểm tra giám sát trong quá trình thi công, không kịp thời phát hiện những dấu hiệu mất an toàn để xử lý kịp thời là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Công trình xảy ra sự cố tại Ðà Lạt vừa qua được cấp phép xây dựng ngay dưới hành lang lưới điện và khi thi công thiếu che chắn khi gặp mưa lớn nên ta-luy không chịu được áp lực đã gây ra sự cố. Còn tại công trình sạt lở bờ kè xảy ra trên địa bàn thành phố Cao Bằng vừa qua, trước khi xảy ra sự cố, người dân đã hai lần gửi đơn kiến nghị lên UBND phường Duyệt Trung về nội dung chủ đầu tư đã xây dựng bờ kè tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhưng chưa được xem xét giải quyết.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, ngày 1/7/2023. Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 607/CÐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Công điện nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng.
Ðồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời. Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.
Về lâu dài, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; đồng thời chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.