Tại hội nghị và các cuộc gặp song phương bên lề, các thành viên Bộ tứ đều khẳng định cam kết vững chắc về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ đều nhấn mạnh yếu tố then chốt trong khuôn khổ các cuộc thảo luận của Bộ tứ là mục tiêu tạo môi trường tự do, không ép buộc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 được xem là vấn đề quan trọng và cấp bách nhất, các vấn đề an ninh mạng và an ninh hàng hải, phát triển cơ sở hạ tầng, hành động vì khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai cũng là trọng tâm thảo luận. Mỹ khẳng định, hợp tác của Bộ tứ giúp tạo một cơ chế vững chắc để phân phối vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn thế giới, tăng cường khả năng răn đe đối với mọi hành động "hiếu thắng và ép buộc" trong khu vực.
Một trong những trọng tâm các cuộc thảo luận là vấn đề bảo đảm an ninh khu vực. Nhóm đã nhất trí tăng cường hợp tác về chống khủng bố trên không gian mạng, gồm cả tấn công bằng mã độc tống tiền. Các biện pháp nhằm ứng phó nguy cơ xảy ra thảm họa trong khu vực đã được thông qua và các bên nhất trí hỗ trợ nỗ lực chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp. Bộ tứ cũng nhất trí ưu tiên tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, cũng như khả năng phát triển các nguồn tài nguyên biển nhằm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không.
Bộ tứ cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bảo tồn các nguồn tài nguyên ngoài khơi, đồng thời khẳng định luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh trong lĩnh vực hàng hải là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của cả khu vực. Để tăng cường hiệu quả và khả năng đối phó các thách thức an ninh ở khu vực, Bộ tứ khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ các đối tác trong việc phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển.
Trong khuôn khổ kỳ họp, các thành viên cũng tận dụng bầu không khí thuận lợi của không gian thảo luận Bộ tứ để tăng cường các mối quan hệ song phương theo hướng đôi bên cùng có lợi. Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ, nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ Nhật-Mỹ phát triển. Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường khả năng ứng phó của liên minh Nhật-Mỹ, làm sâu sắc hơn hợp tác với các đối tác như Australia, Ấn Độ, ASEAN và châu Âu. Trao đổi quan điểm về các chính sách xây dựng đất nước của mỗi nước, hai bên cũng nhấn mạnh vai trò của cơ chế Ủy ban tham vấn chính sách kinh tế Nhật-Mỹ (phiên bản đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế hai nước) để mở rộng hợp tác kinh tế song phương.
Trong khi đó, Nhật Bản và Australia nhất trí làm việc tích cực để sửa đổi tuyên bố chung năm 2007 về hợp tác an ninh giữa hai nước. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai bên đã tái khẳng định nỗ lực nhằm hoàn thành các thủ tục trong nước cần thiết để thực hiện Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA), được ký kết tại cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo hai nước hồi tháng 1, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung và tăng cường hợp tác an ninh giữa Tokyo và Canberra. Ấn Độ và Mỹ cũng khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt và nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ trong quỹ đạo tích cực hiện nay.
Hàng loạt mối quan tâm chung đã được các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ tứ thảo luận trong khuôn khổ hội nghị lần này. Các bên đều thể hiện cam kết vững chắc về tăng cường hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng.