Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo các tỉnh hội xây dựng kế hoạch với các mục tiêu cụ thể, triển khai đa dạng các hoạt động như hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại trường học, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon” ở điểm trường bán trú, nội trú tại các xã đặc biệt khó khăn vùng núi, biên giới; truyền thông về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người chăm sóc trẻ…
Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn phối hợp các đơn vị tổ chức bàn giao công trình Bếp ăn bán trú tại điểm trường mầm non Pù Lườn, thuộc Trường mầm non Cao Tân, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm. Trước đây, bếp ăn bán trú tại đây là bếp tạm, diện tích nhỏ, do nhà trường, địa phương và người dân xây dựng.
Qua khảo sát thực trạng về điều kiện cơ sở vật chất tại điểm trường, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác bán trú. Bếp ăn với tổng diện tích hơn 50 m2, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, phục vụ công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường học đường.
Ông Hà Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn cho biết, đây là một trong những hoạt động thuộc chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. Việc khánh thành bếp ăn bán trú không chỉ giúp cung cấp các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các em học sinh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa.
Công trình này còn giúp giảm bớt khó khăn cho các bậc phụ huynh, tạo điều kiện để trẻ em học tập trong môi trường thuận lợi hơn và duy trì thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh.
Ngoài việc sửa chữa, xây dựng những bếp ăn bán trú bảo đảm vệ sinh, các cấp hội cũng đã đẩy mạnh việc vận động các đơn vị, nhà hảo tâm trao những phần quà, hộp sữa dinh dưỡng tặng trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Bình Phước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, giúp đỡ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, góp phần cải thiện dinh dưỡng, duy trì và tăng cường sức khỏe, sức đề kháng giúp các em thực hiện ước mơ học tập, từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống.
Anh Điểu Bơ, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn, con thì còn nhỏ. Vì vậy, được các nhà hảo tâm tặng sữa, gia đình tôi cảm thấy vui, phấn khởi lắm, các cháu đều thích thú”.
Ông Hà Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2024, chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” đã hỗ trợ hơn 6.000 trẻ em nghèo, khuyết tật tại địa phương.
Qua 3 năm triển khai trong toàn hệ thống Hội, chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” đã hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho hơn 3.581.000 trẻ em, tổng trị giá hơn 447,691 tỷ đồng; chủ động, tích cực huy động mọi nguồn lực tổ chức triển khai xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon”, xây mới, sửa chữa, nâng cấp, hỗ trợ đồ dùng cho 119 bếp ăn, tổng trị giá hơn 29,465 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ cho chương trình còn nhiều khó khăn, chưa bền vững; nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người chăm sóc trẻ còn hạn chế; việc hỗ trợ dinh dưỡng cho đối tượng hưởng lợi mới chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn.