Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội) vừa khánh thành “công trình nhà ở lưu động” cho công nhân tại số 15 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, để họ có chỗ tạm trú, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc nặng nhọc, góp phần cải thiện điều kiện làm việc của công nhân môi trường.
0:00 / 0:00
0:00

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội hiện có khoảng 5.000 công nhân, trong đó hầu hết công nhân làm nhiệm vụ thu gom rác là nữ. Trung bình mỗi ngày đội ngũ này thu gom 6.000 tấn rác thải.

Do đặc thù công việc, công nhân thường xuyên phải kết thúc ca làm việc muộn, thường vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng. Nhiều người lại phải tiếp tục đi làm từ sáng sớm hôm sau. Điều này khiến những người có nhà cách xa nơi làm việc phải đi lại rất vất vả. Công nhân phải đi lại trong đêm khuya, sáng sớm tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn giao thông, mất an toàn.

Vì vậy, lắp đặt “nhà ở lưu động” cho công nhân môi trường là việc làm rất cần thiết và thiết thực, nhất là với nữ công nhân vệ sinh môi trường. Nhiều công nhân xúc động, phấn khởi mong muốn mô hình “nhà ở lưu động” này sớm được nhân rộng ở nhiều điểm khác trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đánh giá, việc lắp đặt “nhà ở lưu động” cho công nhân không chỉ đem lại điều kiện làm việc tốt hơn mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng, rủi ro, nâng cao chất lượng cuộc sống và an toàn cho người lao động. Việc làm này còn cho thấy sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng đối với người lao động, góp phần tạo nên môi trường làm việc tích cực cho công nhân.

Tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân, cũng là “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”. Thành phố Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều công trình được xây dựng, nhiều doanh nghiệp, nhà máy hoạt động hiệu quả đã mang lại lợi ích kinh tế rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp còn chủ quan, chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; nhất là các vụ tai nạn lao động, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và tính mạng của người lao động.

Chính vì vậy, cùng với các hoạt động cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, tổ chức và chính người lao động nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.