Theo báo cáo, tính tới ngày 23/5/2023, toàn quốc có 1.853 dự án, công trình xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy nên chưa được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; có 554 dự án, công trình có khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nên chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Toàn quốc có 38.140/1.182.722 (chiếm 3.22% trên tổng số cơ sở) cơ sở hiện hữu vào sử dụng còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy ở thời điểm đưa vào hoạt động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210.5 tỷ đồng. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, thành phố xảy ra 1.532 vụ cháy, làm 80 người chết, 171 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 85.36 tỷ đồng.
Nhìn chung, những thiếu sót, vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, trong đầu tư xây dựng dự án, công trình, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở công trình, chủ hộ kinh doanh, người dân… chưa đầy đủ, không nắm được các nội dung thiếu sót để tổ chức khắc phục; năng lực của một số đơn vị thi công kiến trúc về giải pháp phòng cháy, chữa cháy còn yếu, chưa đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, thống nhất, dẫn đến tình trạng còn công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng… Cách hiểu, cách áp dụng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy chưa được toàn diện, thống nhất.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn cho biết, các bộ, ngành đã tổ chức hội nghị tại các địa phương trọng điểm bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Trong đó, cần tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng QCVN 06/2022/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để bảo đảm tính thống nhất trong triển khai thực hiện; tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở riêng lẻ...
Để công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả cao, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự đồng hành của các doanh nghiệp, tập đoàn.
Các đại biểu dự tọa đàm. |
Đại diện Trung tâm Thiết bị phòng cháy, chữa cháy 4/10 khuyến khích các nhà đầu tư dự án nhà cao tầng sử dụng những hệ thống thiết bị cảnh báo cháy đạt tiêu chuẩn như: đầu báo khói quang, đầu báo khói kết hợp nhiệt, còi báo cháy loại không địa chỉ… Các chung cư cao tầng cần có hệ thống chữa cháy tiên tiến và lắp đặt thang máy chữa cháy trong các giếng thang riêng biệt.
Những phương pháp, công nghệ mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa rất quan trọng.
Đại tá Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy, chữa cháy
Hiện, Trung tâm Thiết bị phòng cháy, chữa cháy 4/10 đã và đang cung cấp nhiều thiết bị phòng cháy mới, trong đó có thiết bị cảnh báo cháy Eltrok (EWS VN15) và Gsafe. EWS VN15 cho phép kết nối tự động giữa Cơ sở và Trung tâm tiếp nhận cảnh báo, xử lý cháy của Phòng PC07 – Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Trong khi đó, thiết bị cảnh báo cháy tự động Gsafe cung cấp đầy đủ dữ liệu, bao gồm: tên, địa chỉ, tọa độ vị trí, sơ đồ mặt bằng, phương tiện lực lượng chữa cháy, phương án phòng cháy, chữa cháy cơ sở giúp chỉ huy lực lượng nhanh và hiệu quả. Đặc biệt, thiết bị có thể truyền tin cảnh báo nhanh qua internet, mạng di động 3G hoặc GPRS.
Để giải được một phần bài toán liên quan đến độ bền của hệ thống ống dẫn nước chữa cháy cho các công trình công nghiệp, nhà cao tầng, tập đoàn Hoa Sen cho ra đời dòng sản phẩm ống thép đen, ống kẽm nhúng nóng, đồng hành cùng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của thành phố.
Đại tá Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy, chữa cháy chia sẻ: “Có thể khẳng định, những phương pháp, công nghệ mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa rất quan trọng. Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của cơ sở duy nhất được giao nhiệm vụ giáo dục đào tạo chuyên biệt, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học với những phương pháp, công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy trong tương lai”.