Cải thiện chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu

Theo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2020 được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố cuối tháng 6/2021 tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực Ðông Nam Á. So với lần xếp hạng trước đó, Việt Nam tiến lên 25 bậc, vượt xa kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là xếp hạng 40 vào năm 2025 và 30 vào năm 2030.

Kỹ sư công nghệ tham gia bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Trung tâm SOC. Ảnh: THÙY LINH
Kỹ sư công nghệ tham gia bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Trung tâm SOC. Ảnh: THÙY LINH

Trong năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình bốn lớp từ 0% trong năm 2019 lên 100% vào cuối năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam sớm có chương trình, đề án phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Make in Viet Nam". Chương trình này đã góp phần nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam, được ITU ghi nhận và đánh giá cao.

Trong thời đại công nghệ, mọi cuộc tấn công có chủ đích trên không gian mạng đều do con người thực hiện và việc phát hiện, ngăn ngừa các cuộc tấn công không thể dựa hoàn toàn vào máy móc, trang thiết bị mà cần những chuyên gia công nghệ. Ðể xử lý tấn công mạng, cần có nguồn lực tại chỗ thay vì phải chờ những giải pháp hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Do đó, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực bảo mật, an ninh mạng là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn an ninh mạng. Những năm gần đây, Việt Nam thường xuyên có thành viên được quốc tế đánh giá cao, được xếp hạng top nhân sự bảo mật của các hãng lớn như Google, Facebook, Microsoft… Ðây là một trong số các yếu tố góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam tại bảng xếp hạng về bảo đảm an ninh mạng trên phạm vi toàn cầu và đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ.

Trong tháng 6/2021, nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật lớn nhất toàn cầu Bugcrowd đã công bố, chuyên gia bảo mật Nguyễn Tuấn Anh (Công ty An ninh mạng Viettel - Viettel Cyber Security) đã vượt qua hơn 25 nghìn "hacker mũ trắng" trên thế giới để đứng đầu bảng xếp hạng. Nguyễn Tuấn Anh cũng từng chiếm vị trí đầu trên xếp hạng danh tiếng này vào tháng 4/2021. Năm 2020, Nguyễn Tuấn Anh đã tìm ra 55 lỗ hổng bảo mật trên sản phẩm công nghệ được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp, tổ chức lớn trên thế giới mang tên E-Business Suite của Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle (Hoa Kỳ). Tính đến nay, Nguyễn Tuấn Anh đã phát hiện, báo cáo gần 200 lỗ hổng bảo mật của nhiều ứng dụng, hệ thống công nghệ lớn toàn cầu và đã bốn lần nhận danh hiệu Chuyên gia giá trị nhất (Most valuable profesional) do Bugcrowd trao tặng.

Song song với đó, những sản phẩm công nghệ "Make in Viet Nam" được xây dựng để tạo nên hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, cho phép Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Ðạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ nỗ lực lớn của Việt Nam trong một chặng đường dài, thể hiện rõ qua quyết tâm chính trị lớn của Ðảng, Chính phủ đối với vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, vai trò Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam từng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm an toàn an ninh mạng. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, an toàn an ninh mạng được coi là điều kiện để thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền công nghiệp nội dung số. Vì vậy, Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng.

Việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng không hề đơn giản và việc bảo đảm an toàn thông tin mạng dài hạn là thách thức của Việt Nam. Ðại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới, để cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng cũng như giữ vững kết quả đã đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

NINH CƠ