Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn Thủ đô trung bình phát sinh 6.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) tiếp nhận 5.000 tấn/ngày; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) tiếp nhận 1.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác thải phát sinh thường tăng mạnh trong dịp cuối tháng Chạp (tăng 40-50% so với ngày thường).
Mặc dù có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn đọng rác thải, song theo phản ánh của bạn đọc, tại nhiều tuyến đường, nhất là các điểm vui chơi, tham quan du lịch, nơi thường tổ chức lễ hội, vẫn còn xảy ra tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Vào những dịp lễ, Tết, hàng vạn người từ khắp nơi đổ về trung tâm Hà Nội, nhất là khu vực hồ Hoàn Kiếm để vui chơi, tham gia những sự kiện văn hóa được tổ chức ở quanh khu vực này... Thế nhưng, sau những sự kiện tập trung đông người như thế, là hình ảnh rác thải khắp đường phố, mặt hồ, cây xanh, hoa cỏ bị giẫm đạp, chà nát không thương tiếc. Rất nhiều người tham gia các sự kiện mang tính văn hóa ấy, không có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường chung. Rác thải chủ yếu gồm các loại túi ni-lông, cốc nhựa dùng một lần, chai lọ... bị không ít du khách và các hộ kinh doanh thiếu ý thức, tiện tay vứt xuống lòng đường.
Nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), phụ trách khu vực Hoàn Kiếm cho biết: "Một ngày chúng tôi dọn 2 lần sáng và chiều. Tuy nhiên, đến dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, chúng tôi dọn không xuể, do ý thức của người dân ở các khu công cộng quá kém. Họ vứt rác không đúng nơi quy định, vứt lên bãi cỏ, lối đi khiến cho người lao công thu dọn rác rất vất vả. Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm tăng lên gấp nhiều lần mỗi khi có sự kiện đặc biệt như tổ chức các lễ hội, giao thừa hay các ngày nghỉ lễ lớn. Mặc dù đã có rất nhiều thùng rác công cộng được đặt trên các tuyến phố, thế nhưng nhiều người đến tham quan và vui chơi vẫn vô tư xả rác xuống đường. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè của các hộ kinh doanh hàng ăn uống, các sạp hàng "cóc" thiếu ý thức đã và đang gây ảnh hưởng bộ mặt chợ đêm phố cổ.
Trước thực trạng này, để bảo đảm cảnh quan môi trường nhất là trong dịp lễ hội Xuân và Tết, TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng duy trì vệ sinh môi trường các tuyến đường, phố, những nơi tổ chức hoạt động đón năm mới.
Cụ thể, ngay từ giữa tháng 12, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (Urenco) đã yêu cầu các chi nhánh chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ, báo cáo công ty và UBND các quận, huyện để triển khai thực hiện. Trong các ngày phục vụ nghỉ lễ tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quản lý. Bố trí các phương tiện bảo đảm duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia thực hiện nhiệm vụ đột xuất của UBND thành phố và các quận, huyện.
Ðồng thời, tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quận, huyện được giao quản lý, nhất là các khu vực như: Chung quanh Quảng trường Ba Ðình; hồ Hoàn Kiếm, khu vực Quảng trường Cách mạng Tháng 8, Nhà thờ Lớn, Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô, khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực phố cổ, phố đi bộ; Công viên Thống Nhất; các tuyến đường Gò Ðống Ða, Văn Miếu-Quốc Tử Giám; chung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Ðình... Chuẩn bị các nhà vệ sinh công cộng lưu động lắp đặt tại các nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu; lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ nhà vệ sinh công cộng. Kiểm tra và sửa chữa ngay các nhà vệ sinh công cộng hư hỏng; triển khai thu dọn sạch đất thải xây dựng trên địa bàn thành phố ngay trong ngày; phối hợp với các đơn vị chức năng có thẩm quyền giữ gìn và thu dọn sạch phế thải xây dựng tại các điểm trung chuyển lớn, các điểm đổ rác thải.
Tương tự, tại quận Ðống Ða đơn vị chịu trách nhiệm duy trì khu vực các tuyến đường Gò Ðống Ða, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi diễn ra nhiều lễ hội trong dịp trước, trong và sau Tết, công ty đã tăng cường công tác thu gom rác ngày bằng xe cơ giới trên các tuyến phố, tăng cường công nhân duy trì thủ công để duy trì nhặt rác ngày kết hợp với tuyên truyền vận động người dân không xả rác ra đường và nơi công cộng.
Rà soát, duy trì các thùng rác, xe gom, hòm đồ và các điểm tập kết xe gom luôn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh. Ðồng thời, tổ chức phun rửa thùng rác, xe gom, hòm đồ và các điểm tập kết xe gom luôn sạch sẽ; kiểm tra, rà soát thay thế các thùng rác bị hư hỏng, móp méo trên địa bàn bảo đảm vệ sinh và mỹ quan đô thị; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân và khách vãng lai không vứt rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Theo Phó Tổng Giám đốc Urenco Nguyễn Thanh Sơn, cùng với việc bảo đảm các tuyến đường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, không có rác thải tồn đọng qua ngày, công ty đã yêu cầu 100% công nhân đi làm phải bảo đảm đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động theo quy định. Công nhân phải đeo phù hiệu theo quy định và thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân không đổ rác ra đường... Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch chi tiết về công tác an ninh trật tự-an toàn lao động-an toàn giao thông-phòng, chống cháy nổ trong giai đoạn kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2024. Trong đó, yêu cầu rà soát chặt chẽ lực lượng lao động phục vụ kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, bảo đảm không gây ùn tắc giao thông khi thu gom và vận chuyển rác, phế thải. Ðồng thời, lắp đặt các biển báo theo đúng quy định khi tác nghiệp duy trì vệ sinh môi trường. Các xe vận chuyển rác phải bảo đảm đúng tải trọng và tuyệt đối không được để chảy nước rác, không chở vượt quá tải trọng quy định. Thiết lập đường dây nóng điều hành sản xuất 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, giải quyết các tình huống đột xuất…
Cùng với công tác duy trì của ngành chức năng, để bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Tết, cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cơ sở, các quận, huyện trong việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giám sát triệt để, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; chỉ đạo công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển rác thải ở các khu phố trước và sau Tết Nguyên đán. Tại các khu dân cư tập trung, các chợ, nơi công cộng, nơi tổ chức các lễ hội, các tuyến đường giao thông chính không để rác thải tồn đọng, không đốt rác, chôn lấp không hợp vệ sinh, giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng thành phố văn minh, xanh-sạch-đẹp.