Chương trình trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca-diễn cải lương; tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp.
Đồng thời, chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa-nghệ thuật nước nhà.
Theo nhà sản xuất, tiêu chí của chương trình là đi tìm-đào tạo-truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên.
Ngoài dàn nghệ sĩ, giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, thử thách. Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương.
Ngoài ca-diễn, học viên cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như: trang điểm, catwalk, chụp ảnh… để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.
Cải lương là một trong số ít loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc có tính thích nghi cao, phổ biến rộng. Vì thế, “Học viện Cải lương” sẽ kết nối với một số xu hướng nghệ thuật-giải trí hiện đại, qua đó giúp học viên tích lũy thêm “nguyên liệu” cho quá trình sáng tạo.
Những tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật khác sẽ là khách mời của học viện để giao lưu, trao đổi và truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cùng nhau. Chương trình cũng là điểm hẹn của các đại sứ văn hóa để cùng mọi người đi qua các miền văn hóa với những di sản vật thể và phi vật thể-truyền khẩu; những câu chuyện và con người đã góp phần bồi đắp và khám phá những trầm tích văn hóa Việt.
“Học viện Cải lương” sẽ “trình làng” những gương mặt mới, những sản phẩm mới. Nhà sản xuất cũng có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình. Các thầy cô trong học viện sẽ đồng hành, giúp đỡ để học viên phát triển về sau.
Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, “Học viện Cải lương” là ngôi nhà chung, nơi gặp nhau của nhiều thế hệ trong trăm năm cải lương. Ở đó, họ có thể lắng nghe nhau, trao đổi thông tin về nghệ thuật cải lương-văn hóa Việt thời kỹ thuật số. Đây là chương trình vừa chơi, vừa học. Trong đó việc chơi cũng phải nghiêm túc, có trách nhiệm.
“Tôi mong muốn những người trẻ có một sân chơi để cùng hát, ca, gặp gỡ, tự học nhau. Các chuyên gia giúp họ phát triển được khả năng đang có, phát triển tư duy”, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết thông tin thêm.
“Học viện Cải lương” sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần. Nhà sản xuất bật mí chương trình sẽ mang màu sắc rất khác biệt so với trước nay về nghệ thuật cải lương. Qua đây, nhà sản xuất cũng mong chương trình có thể tiếp cận được nhiều khán giả trẻ, bởi chính họ là thành tố quan trọng để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương.
Chương trình hiện đang trong quá trình sản xuất, bắt đầu phát sóng từ tháng 4/2024 trên kênh truyền hình Today TV và kênh YouTube của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết.