Ảnh: Quang Nam
Ảnh: Quang Nam

Cải cách tiền lương phải bảo đảm cải thiện đời sống cán bộ, công chức-viên chức

NDO - Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của cán bộ, công chức-viên chức cũng như nhiều đối tượng khác nhau. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, về chủ đề này.

THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG TỪ NGÀY 1/7/2024 LÀ ĐÚNG THỜI ĐIỂM

Phóng viên: Thưa ông, ngày 9/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó nêu rõ chính thức thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; điều chỉnh lương hưu; bãi bỏ tất cả các cơ chế thu nhập đặc thù. Ông có thể cho biết, vì sao chúng ta phải thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này, và ý nghĩa của chính sách này ra sao?

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết chính thức thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là một quyết sách đúng đắn cần thiết, đúng thời điểm, đủ điều kiện.

Trước đó, do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nên Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp.

Lần này, Quốc hội thống nhất cao với phương án trình của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tin vui đối với cán bộ, công chức-viên chức và lực lượng vũ trang. Đây là cơ sở để góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức-viên chức, lực lượng vũ trang, mục tiêu là làm cho nhóm đối tượng này có nguồn thu nhập tăng lên, bảo đảm cuộc sống.

Đồng thời, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta củng cố, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức-viên chức, để tăng cường năng lực cán bộ, xây dựng bộ máy cơ quan công quyền vững mạnh, thu hút người tài và giữ chân cán bộ có năng lực.

Cải cách tiền lương phải bảo đảm cải thiện đời sống cán bộ, công chức-viên chức ảnh 1
Ảnh: Quang - Nam.

Vấn đề quan trọng là Chính phủ đã thực hiện một bước sắp xếp lại tổ chức, bộ máy tinh giảm biên chế và từng bước chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi đủ điều kiện; cơ bản đã xác định được vị trí việc làm là cơ sở quan trọng để chuyển xếp lương mới; và vấn đề quan trọng quyết định là đã tạo được tổng nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

Ý nghĩa của của chính sách này là tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình của họ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

KỲ VỌNG TIỀN LƯƠNG CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC-VIÊN CHỨC SẼ ĐƯỢC NÂNG LÊN VÀ ĐỦ SỐNG

Phóng viên: Vậy theo ông, lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động chủ yếu tới những đối tượng nào và sẽ đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, công chức-viên chức ra sao?

TS Bùi Sỹ Lợi: Lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động đến toàn bộ cán bộ, công chức-viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Với chính sách cải cách tiền lương, chúng ta đều kỳ vọng tiền lương của cán bộ, công chức-viên chức sẽ được nâng lên và đủ sống. Tiền lương phải được trả theo đúng giá trị sức lao động theo nguyên tắc thị trường và tiếp cận tiền lương khu vực có quan hệ lao động.

Việc chuyển xếp tiền lương cũ sang lương mới phải phù hợp vị trí việc làm và không thấp hơn lương hiện hưởng. Vấn đề quan trọng là làm sao giữ được tiền lương này bảo đảm được sức mua đồng tiền, không chịu ảnh hưởng tác động của trượt giá.

Cải cách tiền lương phải bảo đảm cải thiện đời sống cán bộ, công chức-viên chức ảnh 2

Ảnh: Quang - Nam

Cải cách chính sách tiền lương sẽ:

- Bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương

- Xây dựng 5 bảng lương mới gồm:

+ Bảng lương chức vụ

+ Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ

+ Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an

+ Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an

+Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

(Nguồn: Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương)

CƠ CHẾ PHÂN PHỐI TIỀN LƯƠNG RẤT QUAN TRỌNG

Phóng viên: Một trong những mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương hướng tới là tạo được sự công bằng giữa các vị trí việc làm, lương, mức độ thưởng, mức độ phân công công việc. Từ đó, tạo ra sự công bằng trong thu nhập của những lao động cùng nhóm. Vậy trong triển khai thực hiện, cần làm thế nào để đạt được tiêu chí này?

TS Bùi Sỹ Lợi: Đây thực sự là vấn đề khó nhất trong cải cách tiền lương. Vì nguyên tắc của tiền lương là trả lương như nhau, cho lao động ngang nhau, bất kể lao động nam hay nữ. Quan trọng là có thể xếp đúng cán bộ, công chức-viên chức đó vào đúng vị trí việc làm, bảo đảm phù hợp về chuyên môn đào tạo, năng lực công tác, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và cần phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo quan điểm của tôi, đây là một bài toán khó nhất trong cải cách chính sách tiền lương. Bởi tiền lương không chỉ là nguyên tắc trả lương ngang nhau cho lao động như nhau, mà còn phải bảo đảm nguyên tắc công bằng và đúng giá trị sức lao động. Ngoài ra còn phải thể hiện bằng giá cả trên thị trường theo quy luật cung-cầu lao động. Đó là quan hệ thị trường, quan trọng nhất của cải cách tiền lương là tiền lương của khu vực công phải tiệm cận khu vực tư, bảo đảm giá trị ngang nhau.


Việc chuyển xếp tiền lương cũ sang lương mới phải phù hợp vị trí việc làmkhông thấp hơn lương hiện hưởng.


Hiện nay, tiền lương của cán bộ, công chức-viên chức dựa trên lương cơ sở, trong khi lương tối thiểu của người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp áp dụng theo 4 vùng. Do vậy, cơ chế phân phối tiền lương rất quan trọng.

Muốn bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, hướng tới tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, thì phải khơi nguồn động lực, xếp đúng vị trí việc làm và xếp lương theo đúng năng lực chuyên môn và sở trường của người lao động.

Tính đến tháng 11/2023, đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức-viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức-viên chức.

Phóng viên: Hiện nay, có người lao động vẫn còn băn khoăn về việc bãi bỏ cơ chế thu nhập đặc thù như áp dụng tiền lương, phụ cấp trong lần cải cách tiền lương lần này. Vậy theo ông, cần làm thế nào để cải cách tiền lương tạo một sự đột phát cho thị trường lao động ở khu vực công?

TS Bùi Sỹ Lợi: Có thể thấy, góc nhìn như vậy là chưa hiểu hết về cải cách chính sách tiền lương lần này. Cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức-viên chức được hình thành từ 3 bộ phận gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản, không bao gồm phụ cấp).

Khoản 70% lương cơ bản được trả là tiền lương chính, hay hiểu nôm na là "phần cứng". 30% bao gồm các loại phụ cấp, hay còn hiểu là “phần mềm”. Cơ cấu này để tránh hiện tượng khá phổ biến hiện nay là “phần mềm” cao hơn “phần cứng”, không còn giữ được bản chất của tiền lương.

Tỷ lệ 30% trong tiền lương còn tồn tại các khoản phụ cấp. Cụ thể, trong cải cách tiền lương lần này, vẫn còn 9 loại phụ cấp: phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.

Vấn đề mới của chính sách cải cách tiền lương lần này là dành 10% tổng quỹ tiền thưởng trên 70% tổng quỹ tiền lương cơ bản để người sử dụng lao động/người đứng đầu cơ quan đơn vị dùng để thưởng, khuyến khích cho những người có công sức đóng góp nâng cao năng suất lao động, cống hiến cao và được tôn vinh thì họ được thưởng từ nguồn tiền này. Điều này tạo ra sự chủ động cho người sử dụng lao động, là công cụ để kích thích mọi người hăng say, thi đua lao động.

Cải cách tiền lương phải bảo đảm cải thiện đời sống cán bộ, công chức-viên chức ảnh 3

Cải cách tiền lương cần tạo động lực với người lao động, để thúc đẩy năng lực công tác, giải phóng sức lao động, thể hiện tinh thần đóng góp, cống hiến để đạt được mức tiền lương như vậy. Điều quan trọng là tiền lương phải như là một đòn bẩy để thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công tác.

Cho nên, cải cách tiền lương phải hướng tới làm sao cho thị trường lao động phát triển, thu hút được lao động có kỹ năng, tay nghề tốt. Nếu cải cách tiền lương làm tốt, sắp xếp bố trí vị trí việc làm tốt, xếp lương đúng, sẽ tạo động lực thu hút lao động chất lượng cao vào khu vực công nhiều hơn. Hơn nữa, tránh được tư tưởng tham nhũng vặt, cũng như cách thức làm việc hạch sách, nhũng nhiễu, không tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức-viên chức ở khu vực công. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Cùng với đó, cải cách tiền lương gắn với giải phóng sức lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển thị trường lao động khu vực công tốt hơn

Cuối cùng, cải cách tiền lương giúp giảm được tình trạng “nhảy việc” từ khu vực công sang khu vực tư. Nếu làm tốt chính sách tiền lương, bố trí đúng theo vị trí việc làm, cũng là điều kiện để thu hút nhân tài vào khu vực công. Bởi một khi người lao động có lương cao, vị trí việc làm tốt, cơ hội thăng tiến, chắc chắn họ sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động khu vực công. Điều này góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của khu vực có quan hệ lao động ngoài Nhà nước và khu vực công.

Ở khu vực công, chúng ta còn có điểm hay là tiến hành thi tuyển, lựa chọn và sắp xếp theo vị trí việc làm. Như thế, rõ ràng cơ chế sẽ giữ được người giỏi, thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài như theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.


Cải cách tiền lương giúp giảm được tình trạng “nhảy việc” từ khu vực công sang khu vực tư. Nếu làm tốt chính sách tiền lương, bố trí đúng theo vị trí việc làm, cũng là điều kiện để thu hút nhân tài vào khu vực công.


Phóng viên: Thưa ông, ông có đề cập tới hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, nhất là với thực tế của hai ngành y tế và giáo dục. Vậy làm thế nào cải cách tiền lương đáp ứng được kỳ vọng của bộ phận cán bộ, công chức-viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, nhất là với đội ngũ nhân viên y tế và giáo viên?

TS Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay, vẫn còn sự băn khoăn về phụ cấp của hai ngành giáo dục và y tế khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Trong lần cải cách tiền lương này, vẫn còn chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm công việc cho cán bộ ngành y tế và giáo dục. Điểm cốt lõi của tinh thần cải cách tiền lương là lương của hai ngành giáo dục và y tế sẽ cao so với các ngành khác, chỉ đứng sau lực lượng vũ trang. Tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương cũng là như vậy.

Tuy nhiên, việc có hạn chế được hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư của hai ngành này hay không còn phải phụ thuộc vào việc bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp vị trí việc làm, để giải phóng sức lao động và năng lực chuyên môn đào tạo, phát huy tính sáng tạo và được xem xét để thăng tiến, trọng dụng. Và quan trọng hơn là trả lương đúng với năng lực sở trường, chi phí sức lao động và bảo đảm tiền lương đủ sống của bản thân và gia đình.

Phóng viên: Và còn một câu hỏi cuối cùng dành cho ông, chúng ta cần làm gì để thực hiện cải cách tiền lương thành công?

TS Bùi Sỹ Lợi: Để hoàn thành được nhiệm vụ cải cách tiền lương đúng tiến độ từ thời điểm 1/7/2024, chắc chắn còn bộn bề nhiều việc phải làm.

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế. Quá trình này chúng ta đã làm được một bước, nhưng cũng chưa đạt được yêu cầu. Nếu số lượng cán bộ, công chức-viên chức như hiện nay, cũng khó có nguồn để cải cách tiền lương.

Yếu tố thứ hai và cũng là yếu tố quan trọng, quyết định của cải cách tiền lương là xác định vị trí việc làm.

Yếu tố thứ ba là nguồn lực. Dù Chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực tài chính, nhưng nguồn kinh phí này còn phải kéo dài nhiều năm chứ không chỉ trong ba năm, từ 2024 đến 2026. Cho nên, đây cũng là một vấn đề cần lưu ý.

Yếu tố thứ tư là sắp xếp cán bộ cho đúng vị trí việc làm. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Lấy thí dụ như, với hai lao động có trình độ và năng lực như nhau, việc sắp xếp vị trí việc làm như thế nào để không tạo ra sự bất bình đẳng, thiếu công bằng cũng khá khó khăn với người lãnh đạo cơ quan.

Yếu tố thứ năm là cần truyền thông, giải thích cho mọi người lao động trong nhóm đối tượng chịu tác động của lần cải cách tiền lương này hiểu rõ, thông suốt về chính sách, cách xây dựng thang lương, bảng lương…

Cá nhân tôi thấy, nhiều cán bộ, công chức-viên chức hiện vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, cần thông tin công khai về định hướng xây dựng thang - bảng lương cho người lao động được biết.

Cuối cùng, cần huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội vào việc xác định vị trí việc làm, để hướng tới thực hiện thành công lần cải cách chính sách tiền lương này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: NGÂN LÊ

Ảnh: NHẬT QUANG, Trình bày: PHƯƠNG NAM

back to top