Cải cách thị trường tài chính toàn diện

Vào thời điểm hiện nay, Nghị định 08/2023/NÐ-CP của Chính phủ tạo ra một cơ chế cần thiết nhằm hạn chế phát sinh những rủi ro cho thị trường tài chính, lấy lại niềm tin của cả nhà đầu tư và chủ thể phát hành.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản giảm sút khiến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: NAM ANH)
Thị trường bất động sản giảm sút khiến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: NAM ANH)

Nhưng để phát triển bền vững thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NÐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế tuy đã đáp ứng được mong mỏi của thị trường nhưng chủ yếu vẫn là biện pháp giải quyết các vấn đề mang tính tình thế.

Ở góc độ cải cách, nâng cao chất lượng thể chế thị trường tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý sao cho phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận sát hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế song song với nâng cao năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước.

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế

Việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và cả thị trường tài chính nói chung là một quá trình diễn ra liên tục, luôn cần được đổi mới cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế.

Thực tiễn đã cho thấy, ngay cả những hệ thống tài chính của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ... cũng phải tuân thủ quy luật này. Sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như cách thức vận hành của các trung gian tài chính nói riêng và cả thị trường tài chính nói chung luôn không ngừng vận động.

Việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và cả thị trường tài chính nói chung là một quá trình diễn ra liên tục, luôn cần được đổi mới cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế.

Sự sụp đổ mới đây của ngân hàng Silicon Valley tại nước Mỹ là minh chứng rõ nét cho thấy, ngay cả một ngân hàng có danh mục tài sản rất an toàn, hoạt động tại một thị trường tài chính hiện đại, chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Mỹ vẫn không tránh khỏi những rủi ro khiến cho ngân hàng mất thanh khoản tại một thời điểm cụ thể.

Rõ ràng, những nguyên tắc cơ bản trong quản trị ngân hàng là không đổi nhưng trong từng điều kiện thị trường thì việc vận dụng nó lại phải hết sức linh hoạt, tinh tế, thấu đáo.

So với một nền kinh tế kế hoạch, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống tài chính trong một nền kinh tế thị trường lại càng quan trọng hơn. Không chỉ là một chủ thể có trách nhiệm giám sát, điều tiết thị trường vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước còn có vai trò can thiệp để bảo đảm sự ổn định của thị trường khi các rủi ro mang tính hệ thống xảy ra.

Chúng ta đã thấy vai trò can thiệp rất chủ động và kịp thời của các cơ quản quản lý nhà nước về tài chính tiền tệ của Mỹ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008 và đến nay là trường hợp của ngân hàng Silicon Valley.

Không chỉ là một chủ thể có trách nhiệm giám sát, điều tiết thị trường vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước còn có vai trò can thiệp để bảo đảm sự ổn định của thị trường khi các rủi ro mang tính hệ thống xảy ra.

Phối hợp hành động của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Dự trữ liên bang, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang và Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ từ khi rủi ro hệ thống bắt đầu xuất hiện để vừa bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, duy trì thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, trấn an toàn thị trường, vừa thể hiện cam kết tăng cường giám sát và xử lý sai phạm.

Chỉ có như vậy mới phần nào giảm nhẹ những tác động lan truyền từ sự việc của một ngân hàng đơn lẻ lan rộng ra cả hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Ðây là một minh chứng rõ ràng cho thấy trong thị trường tài chính, niềm tin không chỉ đặt vào hành động của các đơn vị huy động vốn hay vay mượn mà niềm tin của thị trường còn được đặt vào những cam kết và hành động rất cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.

Cải cách đồng bộ thị trường tiền tệ và thị trường vốn

Quay trở lại với trường hợp của thị trường tài chính Việt Nam, việc tăng trưởng nóng của thị trường cổ phiếu trong giai đoạn dịch Covid-19 và sự phát hành quá lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong các năm 2020, 2021 đã để lại những hệ quả cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trước đó là bài học phải dồn lực để giải quyết những khoản cấp tín dụng kém chất lượng của hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng nóng những năm 2006 và 2007.

Trong mỗi giai đoạn đó, vấn đề của thị trường tài chính không chỉ được nhìn nhận và giải quyết đơn thuần trong một cấu phần của thị trường (trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng) mà còn được tiếp cận một cách toàn diện hơn trên phạm vi cả thị trường tài chính, thậm chí là cả thị trường bất động sản và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, tính liên thông và phụ thuộc lẫn nhau giữa các cấu phần của thị trường tài chính là một đặc tính cần được công nhận và tiếp cận hết sức thận trọng, toàn diện trong công tác quản lý nhà nước.

Tất nhiên, mỗi thị trường kể trên cần phải được hoạt động theo đúng vai trò, chức năng của mình, thị trường tiền tệ phải là nơi huy động và cung ứng vốn ngắn hạn, còn trách nhiệm vốn trung dài hạn cho nền kinh tế thuộc về thị trường chứng khoán.

Vấn đề quan trọng đối với thị trường tiền tệ Việt Nam hiện nay là cần phải bảo đảm được sự ổn định và thông suốt của thị trường. Sự phát triển thiếu đồng đều giữa các trung gian tài chính có thể dẫn tới tình trạng cạnh tranh không hoàn hảo và thậm chí còn khiến những hoạt động điều tiết thị trường có thể gây ra ảnh hưởng không tốt tới một nhóm các trung gian tài chính có năng lực yếu kém. Do vậy, tái cấu trúc các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết trong thời gian tới để đạt được mục tiêu sàng lọc và xử lý hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, giúp tạo ra một hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh và đồng đều hơn.

Ðối với cải cách thể chế thị trường vốn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, từ đó khắc phục những bất cập phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Cũng cần tính tới những cơ chế phù hợp để bảo đảm quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp khi tiếp cận với nguồn vốn trên thị trường chứng khoán như doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ tài chính. Việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ hiện đại về kế toán, quản trị công ty và công bố thông tin cần được tăng cường hơn nữa cả về văn bản pháp lý lẫn thực tế áp dụng.

Về tổng thể và dài hạn, song song với nhiệm vụ điều tiết thị trường tài chính khi cần thiết, cần hướng tới việc cho thị trường này tuân thủ nhiều hơn các quy luật của kinh tế thị trường. Nhà nước tập trung vào ban hành các quy định pháp lý và để các chủ thể căn cứ vào đó đưa ra các quyết định kinh doanh, tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

Song hành với đó, các công cụ điều tiết thị trường của cơ quan quản lý nhà nước cũng chuyển dần từ can thiệp có tính chất hành chính sang áp dụng các công cụ có tính chất dự báo và thị trường hơn. Nếu thống nhất được cách tiếp cận toàn diện từ cả góc độ của các chủ thể tham gia thị trường cho tới các cấu phần của thị trường, chúng ta sẽ có được các giải pháp giúp cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh và hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.