Gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023-2025 là rất lớn, lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng chưa kể tiền lãi. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường này đang gặp nhiều khó khăn. Nếu không có giải pháp, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của một bộ phận doanh nghiệp là hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00
Lĩnh vực bất động sản đang trong thời kỳ khó khăn. Ảnh: NAM ANH
Lĩnh vực bất động sản đang trong thời kỳ khó khăn. Ảnh: NAM ANH

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong khi đó, hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá: Từ tháng 9/2022, thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ khi lãi suất tăng mạnh, tỷ giá VND so với USD tăng mạnh. Đặc biệt từ ngày 6/10/2022, sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, diễn biến trên thị trường tài chính - tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tiếp tục khó khăn.

Kênh TPDN đã phát huy vai trò quan trọng là một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nguồn lực xã hội nhằm phát triển kinh tế trong những năm qua. Sự “đóng băng” của thị trường này đang khiến nhiều doanh nghiệp đã khó càng thêm khó, nhất là khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, một bộ phận doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực bất động sản) có tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Khi đó, hệ lụy sẽ lớn và phức tạp, nên cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là khá lớn.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu như trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành TPDN, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu…) để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Bởi lẽ những vi phạm liên tiếp của một số doanh nghiệp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua.

Mặt khác, Nghị định số 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ. Thị trường chứng khoán cũng không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm: Chính phủ cần sớm cho sửa các quy định về TPDN. Với việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 16/2021 và Nghị định số 65/2022, thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh, nhất là sau những vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... thanh khoản thị trường co hẹp, giảm đáng kể lực cầu và cung. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi phù hợp những quy định trên với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.

“Vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường TPDN với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024. Theo đó, Chính phủ cần có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này”, ông Cấn Văn Lực lưu ý.

Minh bạch là “chìa khóa” của mọi giải pháp

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Khi sửa Nghị định số 65, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoãn thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm; giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định số 65.

Một trong những giải pháp đáng chú ý khác là Bộ Tài chính đề xuất các TPDN đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn nhiều nhất là hai năm nhằm giảm áp lực đáo hạn cho doanh nghiệp phát hành. Thế nhưng, việc gia hạn này phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện hơn 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận.

Theo Bộ Tài chính, việc cho phép gia hạn tối đa hai năm sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.

Đối với trái phiếu đáo hạn vào năm 2023-2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang năm 2025-2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ hoặc đàm phán để giãn, hoãn hoặc thay đổi một số điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

“Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, theo đó đến giai đoạn 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ”, Bộ Tài chính nêu.

Việc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện hơn 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành). Do đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia góp ý cho đề xuất này đã đề nghị bổ sung phương án xử lý khi không đủ 65% nhà đầu tư đồng ý kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.

Phản hồi lại, Bộ Tài chính cho biết: Trường hợp không đủ 65% số nhà đầu tư chấp thuận thì doanh nghiệp không được kéo dài kỳ hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với các nhà đầu tư chấp thuận kéo dài kỳ hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp có thể đàm phán để chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu thành khoản vay và tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng: Hầu hết ở phân đoạn trên thị trường TPDN đều có những vấn đề nhất định và không chỉ vấn đề của chính sách hoặc thể chế. Khi thị trường có những thất bại nhất định thì lúc đó sự can thiệp của cơ quan quản lý là cần thiết.

Đại diện FiinGroup cũng đưa ra nhận định: Mặc dù thị trường có nhiều thách thức, nhưng những doanh nghiệp vi phạm trong việc huy động và kinh doanh trái phiếu chỉ là số ít và do vậy, mọi giải pháp cần xuất phát từ sự chủ động minh bạch của doanh nghiệp và các định chế trung gian liên quan.

Các giải pháp ngắn hạn nhằm khôi phục niềm tin thị trường và duy trì kênh vốn này bao gồm: Có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao; đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ; vẫn có thể cho phép bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng thẩm định và bảo lãnh thanh toán; và khai thông trái phiếu chào bán đại chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh.

“Hoạt động huy động TPDN là theo nguyên tắc tự vay, tự trả và là mối quan hệ dân sự, do đó các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá khả năng trả nợ, minh bạch cho nhà đầu tư và có các biện pháp phù hợp, bao gồm tái cấu trúc qua việc giãn, hoãn nợ với các điều khoản mới. Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp”, ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.