Cách làm sáng tạo của Quảng Ninh

Với cách làm chủ động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Khơi dậy và phát huy tiềm lực trong nhân dân, lấy sức dân để làm lợi cho dân là bài học từ Quảng Ninh trong xây dựng nông thôn mới vì mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giàu đẹp, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng cam cho thu nhập cao ở phường Hoành Bồ, TP Hạ Long.
Mô hình trồng cam cho thu nhập cao ở phường Hoành Bồ, TP Hạ Long.

Sau hơn mười năm (2010-2022) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Sáng tạo, chủ động và linh hoạt

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, đây cũng là Nghị quyết đầu tiên và chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó lấy việc xây dựng nông thôn mới làm then chốt.

Nghị quyết xác định chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là nông dân; phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.

Tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách, ban hành các quy định phân cấp quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

Nhờ đó, cả giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hơn 233.600 tỷ đồng.

Xã Việt Dân, thị xã Đông Triều đã cán đích xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và là điểm đến học tập kinh nghiệm của hàng trăm địa phương trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hiện, Việt Dân đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới thông minh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Việt Dân Đặng Thị Sen chia sẻ: Kết quả này có được là nhờ sự quyết tâm, chung sức đồng lòng từ cán bộ đến người dân, sự chỉ đạo thông suốt từ xã đến thôn, khơi dậy được sự đoàn kết, tự nguyện, tích cực của nhân dân. Toàn xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm, tăng gấp ba lần so với trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất so với các xã khác trên địa bàn huyện, nhưng đến nay toàn xã đã khởi sắc cả về diện mạo và đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân.

Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân ở các xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ mới đạt 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 48,08%, thì đến hết năm 2022 mức thu nhập đã đạt 66 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,14%. Đến hết năm 2022, Ba Chẽ đã có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có hai xã Lương Mông và Minh Cầm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chị Trần Thị Hương ở thôn Pha Lán, xã Thanh Lâm cho biết: Từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, với nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện cùng sự vào cuộc tích cực của xã, gia đình tôi giờ đây đã thoát nghèo. Bình quân mỗi năm, gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ vườn trà hoa vàng, cây cát sâm, rừng keo và chăn nuôi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú, để có được thành quả trong xây dựng nông thôn mới, Ba Chẽ đề ra các giải pháp căn cơ phù hợp với thực tiễn của địa phương, đồng thời tập trung tuyên truyền những thành quả đạt được tạo niềm tin, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện chương trình. Cách làm này sẽ giúp Ba Chẽ giữ vững thành quả huyện nông thôn mới và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nâng cao đời sống cho người dân

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tỉnh đã đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tỉnh kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng. Từ đó, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới để Quảng Ninh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn.

Quảng Ninh tập trung vào ba đột phá chiến lược là: Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp.

Tỉnh tận dụng lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Quảng Ninh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế khác biệt...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận và đánh giá Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Người dân Quảng Ninh biết tự vươn lên, xây dựng các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Tỉnh Quảng Ninh là hình mẫu để cả nước học theo khi có những đột phá, sáng tạo trong suốt thời gian qua…

Kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra với 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh hoàn thành trước ba năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.