Văn bản nêu rõ: Bão số 13 được dự báo là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định; khả năng bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vào đêm 14, rạng sáng 15-10. Sóng biển cao từ 4-6m, vùng tâm bão cao từ 8-10m. Ngoài ra, tác động của nước dâng do bão làm hạn chế thoát lũ đang xảy ra tại một số cửa sông, làm gia tăng ngập lụt và kéo dài.
Để chủ động ứng phó với bão số 13, giảm thiểu thiệt hại, trong bối cảnh các địa phương đã, đang gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn lực và tinh thần, sức khỏe, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nhiều nơi… do ảnh hưởng của các đợt thiên tai vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên căn cứ vào thực tiễn địa phương và diễn biến của bão, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ; kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban tại cuộc họp ngày 13-11 và tập trung một số giải pháp chính sau:
Tuyến biển: Kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, trú tránh của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu neo đậu hoặc đang thi công tại các cửa sông, không để xảy ra tình trạng chủ quan, bị sự cố như đã xảy ra trong một số cơn bão trước đây.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn, tránh đứt neo, va đập gây hư hỏng, chìm tàu. Đôn đốc các tàu nhỏ đi về trong ngày vào bờ, kéo lên bờ. Chủ động cấm biển phù hợp với diễn biến của bão. Tăng cường bắn pháo hiệu thông báo bão.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và trang thiết bị tại các nhà giàn, giàn khoan trên biển của Bộ Quốc phòng, công trình công sự ven biển và trên các đảo.
Tiếp tục tổ chức sơ tán khách du lịch trên các đảo vào đất liền, triển khai các biện pháp bảo vệ người dân, các phương tiện thủy phục vụ hoạt động tại các đảo. Chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm trên các đảo đề phòng trường hợp bị chia cắt dài ngày với đất liền.
Vùng ven biển: Thực hiện gia cố, di dời lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển, ven biển; Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh và trên tàu thuyền trước khi bão ảnh hưởng và tuyệt đối không được chủ quan, cố tình quay trở lại khi bão đổ bộ hoặc chưa hết ảnh hưởng.
Kiểm tra, rà soát triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển, nhất là các tuyến đê, kè xung yếu trực diện biển, đã xảy ra sự cố hoặc đang thi công, khu vực bờ biển đang sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực sơ tán dân đến phải bảo đảm an toàn, trong đó lưu ý một số công trình trụ sở sơ tán dân đến trong các đợt lũ, bão vừa qua có nhiều cửa lùa gió, cửa kính, chưa bảo đảm an toàn. Tổ chức chằng chống, gia cố nhà các nhà yếu, nhà cao tầng vách kính, các cẩu tháp thi công, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Triển khai sơ tán, di dời dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của sạt lở bờ biển; người dân, công nhân lao động, sinh viên thuê trọ ra khỏi các nhà không an toàn, các nhà vừa sửa chữa khắc phục sau bão số 9, khu vực nguy hiểm, vùng thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Khu vực trên đất liền: Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, nhất là các nhà yếu, nhà cao tầng vách kính, các cẩu tháp thi công, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Thực hiện các biện pháp bảo đảm thông thoáng hành lang lưới điện, thông tin liên lạc. Bố trí lực lượng ứng trực, trang thiết bị dự phòng phục vụ chỉ đạo, chỉ huy được thông suốt; chủ động cắt điện tại những vị trí không bảo đảm an toàn.
Tổ chức lực lượng ứng trực, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông nhất là việc đi lại khi có bão, lũ, qua khu vực nguy cơ cao sạt lở. Chủ động tạm dừng giao thông khi bão đổ bộ, trừ lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ. Tổ chức gia cố, tháo dỡ các biển quảng cáo có nguy cơ mất an toàn.
Triển khai bảo vệ sản xuất diện tích rau màu vụ đông đã gieo trồng, chủ động thu hoạch diện tích đã đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị thiệt hại do bão, mưa lũ.
Chủ động sơ tán dân khỏi các khu vực thấp trũng, cửa sông ven biển có nguy cơ bị ngập sâu, kéo dài.
Khu vực miền núi: Rà soát, sẵn sàng di dời dân cư có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; Tăng cường lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời xử lý các tình huống về sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, giao thông, vùng bị chia cắt.
Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình bảo đảm an toàn công trình và hạ du; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để bảo đảm an toàn; vận hành linh hoạt, luân phiên các hồ thuộc hệ thống liên hồ.
Phân công cụ thể, tổ chức ứng trực, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
- Bão Vamco giật cấp 13 gần Biển Đông
- Bão Vamco tăng cấp tiến gần Biển Đông
- Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khẩn trương ứng phó bão Vamco
- Bão Vamco vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13
- Bão số 13 khó lường nên không được chủ quan
- Trưa 14-11, bão số 13 vào vùng biển Quảng Bình đến Quảng Ngãi