Các nước nghèo nhất có thể hưởng lợi từ các dự án trung hòa carbon

Việc các tập đoàn và quốc gia bù đắp lượng khí thải nhà kính thông qua các dự án chống biến đổi khí hậu ở nước ngoài sẽ thúc đẩy dòng vốn vào các nước nghèo, giúp tăng cường phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn; jamaicaobserver)
Ảnh minh họa. (Nguồn; jamaicaobserver)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 4/11 cho rằng các quốc gia nghèo nhất trên thế giới có thể được hưởng lợi từ các dự án trung hòa carbon, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội và đóng góp vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo mới của UNCTAD nhấn mạnh tiềm năng của thị trường carbon, cho phép các tập đoàn và quốc gia bù đắp lượng khí thải nhà kính thông qua các dự án chống biến đổi khí hậu ở nước ngoài, để thúc đẩy dòng vốn vào các nước đang phát triển và giúp tăng cường phát triển bền vững.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng 45 quốc gia được gọi là kém phát triển nhất đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận thị trường carbon toàn cầu do nền kinh tế của họ nhỏ hơn và khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ với phóng viên trong cuộc họp báo tại Geneva, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nói: “Có một tiềm năng chưa được khai thác ở các nước kém phát triển”.

Theo bà, các quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa khí hậu mà họ không liên quan nhiều đến việc gây ra và có ít nguồn lực để giải quyết.

Do đó, Tổng thư ký UNCTAD kêu gọi thị trường carbon "được tận dụng hiệu quả hơn để hỗ trợ (cho) sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của (các quốc gia này)".

Bà nhấn mạnh: “Thị trường carbon như ‘ngọn hải đăng hy vọng’ và ‘là động lực thúc đẩy tham vọng về khí hậu và đẩy mạnh dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển, mở ra con đường đầy hứa hẹn để mở ra sự phát triển bền vững".

Cũng trong thông báo, UNCTAD nhấn mạnh rằng các nước kém phát triển cần được chuẩn bị để cung cấp những tín chỉ carbon trong các lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp và năng lượng tái tạo, nhưng những nước này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường carbon, vốn phức tạp và phân mảnh, và phải đối mặt với mức giá không ổn định.

Hiện, mỗi tín chỉ được bán trên thị trường carbon toàn cầu tượng trưng cho việc giảm hoặc loại bỏ 1 tấn carbon dioxide (CO2). Thị trường được thành lập để giúp đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo báo cáo mới của UNCTAD, các nước kém phát triển có tiềm năng xây dựng những dự án có thể bằng khoảng 70% lượng khí thải CO2 từ ngành hàng không toàn cầu vào năm 2019, hoặc khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu. Nhưng cho đến nay, các quốc gia này "chỉ sử dụng được 2% tiềm năng hiện có”.

Năm ngoái, giá trị thị trường của tín chỉ carbon từ các nước kém phát triển nhất chỉ khoảng 403 triệu USD.

UNCTAD chỉ ra rằng con số này chỉ chiếm khoảng 1% tổng viện trợ phát triển song phương và còn rất xa so với con số 1.000 tỷ USD mà những nước kém phát triển nhất ước tính cần hằng năm để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030.

Do đó, bà Grynspan cho rằng thị trường carbon "không phải là giải pháp thần kỳ", nhưng "nó có thể giúp ích". Vì vậy, UNCTAD kêu gọi sự hài hòa hơn nữa của thị trường carbon và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nước kém phát triển nhất để cùng hướng tới nhiều mục tiêu.