Các hãng vận tải container đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu tàu và ùn tắc tại các cảng khi cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ bước sang tháng thứ ba.
Tờ Financial Times dẫn lời Giám đốc điều hành hãng Ocean Network Express (Nhật Bản), Jeremy Nixon cho biết, nhiều hãng tàu đang gặp khó khăn về lịch trình.
Kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu các cuộc tấn công vào tháng 12 năm ngoái, hầu hết các hãng vận tải ngừng sử dụng tuyến đường thông thường từ châu Á đến châu Âu qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez.
Thay vào đó, các hãng chuyển sang tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này khiến mỗi chuyến đi giữa châu Á và Bắc Âu mất thêm 10 ngày đến 2 tuần trong khi các tàu thường xuyên cập cảng không theo đúng lịch trình. Áp lực bảo đảm đúng lịch trình khiến các hãng tàu tranh chấp về neo đậu tại một số cảng, gây tình trạng ùn tắc.
Ngoài ra, các cảng trung tâm lớn cũng chịu thêm áp lực, với lượng hàng vào các cảng trung tâm ở châu Á và Địa Trung Hải tăng cao, đặc biệt là ở Singapore, Dubai và các cảng chung quanh eo biển Gibraltar.
Việc chuyển hướng tuyến đường khỏi Biển Đỏ cũng gây nên tình trạng thiếu tàu. Một hành trình trên tuyến đường giữa châu Á và Bắc Âu qua Mũi Hảo Vọng và quay trở lại mất tới 102 ngày, đồng nghĩa một hãng vận tải sẽ cần triển khai 16 tàu cho dịch vụ hằng tuần, thay vì 12 tàu như trước đây.
Ông Nixon cho biết, với thời gian vận chuyển kéo dài thêm nhiều ngày, Ocean Network Express, hiện vận hành đội tàu container lớn thứ sáu thế giới, đang thiếu tàu để duy trì các dịch vụ bình thường hằng tuần, mặc dù các tàu của hãng đã chạy nhanh hơn 10-15% nhằm giảm thiểu tình trạng chậm trễ.
Công suất đội tàu thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong năm 2024, cao hơn khoảng 3% so mức tăng nhu cầu dự kiến. Tuy nhiên, ông Nixon nhận định không có tình trạng dư cung lớn trong ngành vận tải container, cho rằng ngành này đang đầu tư để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh đội tàu và đầu tư xanh.