Thông tin trên được Tổng thống El-Sisi đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Triển lãm Năng lượng Ai Cập lần thứ 7 (EGYPES 2024) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Al-Manara ở New Cairo.
Trong năm tài chính 2022-2023, doanh thu từ kênh đào Suez - nguồn ngoại tệ chủ chốt của nền kinh tế Ai Cập bên cạnh du lịch và kiều hối - đã ghi nhận mức kỷ lục 9,4 tỷ USD. Ông El-Sisi đã chỉ ra các tác động kinh tế bởi những thách thức trong quá khứ và hiện tại mà Ai Cập đã và đang phải đối mặt, bao gồm: đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cũng như tình trạng bất ổn ở Libya, Sudan và Dải Gaza. Ông El-Sisi nhấn mạnh: "Tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Ai Cập cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình với các công ty dầu khí, đối tác phát triển và các tổ chức tài chính".
Nga muốn phát triển tuyến vận tải biển phía Bắc để cạnh tranh với kênh đào Suez
Hồi tháng 1/2024, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, ông Osama Rabie, nói rằng số lượng tàu đi qua kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1/2024 đã giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái, từ 777 tàu xuống còn 544 tàu. Theo ông Rabie, doanh thu được tính bằng USD từ kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1/2024 giảm 40% so cùng kỳ năm 2023, trong khi khối lượng vận chuyển giảm 41%.
Kể từ giữa tháng 11/2023, lực lượng Houthi đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu ở vịnh Aden và Biển Đỏ, đồng thời tuyên bố mục tiêu tấn công của nhóm này là các tàu có liên hệ với Israel. Các cuộc tấn công của Houthi đã buộc một số hãng vận tải biển chủ chốt phải ngừng để tàu di chuyển qua Biển Đỏ và chọn tuyến đường biển quanh mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.
Trong những tuần gần đây, các lực lượng Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen, trong khi lực lượng dân quân này cũng đáp trả bằng việc tấn công các tàu của Mỹ và Anh. Căng thẳng ngày một leo thang giữa các cường quốc phương Tây và lực lượng Houthi đang đẩy khu vực Biển Đỏ vào cảnh an ninh bất ổn hết sức nghiêm trọng.