Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh:

“Các địa phương không được hạn chế đi lại, cản trở giao thông”

NDO -

Chiều 15/10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2021.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì họp an toàn giao thông. (Ảnh: Ủy ban ATGT quốc gia)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì họp an toàn giao thông. (Ảnh: Ủy ban ATGT quốc gia)

Phó Thủ tướng nhận định, trong 9 tháng vừa qua, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nguyên nhân khách quan khiến tai nạn giao thông giảm mạnh do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, làm giảm mật độ giao thông, qua đó số vụ tai nạn giao thông cũng giảm. Về chủ quan, đạt được kết quả này có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ, quy định của pháp luật, nhất là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, hiện nay phòng chống dịch có chuyển biến tích cực, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nghị quyết 128/NQ-CP đã được Chính phủ ban hành, trong đó yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp vừa kiểm soát dịch tốt dịch bệnh vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa và hành khách. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế, cản trở giao thông.

“Từ nay đến cuối năm, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất, giao thông thông suốt trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế nhưng cũng chính là một thách thức trong việc thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông những tháng cuối năm. Vì thế, các cơ quan chức năng, địa phương cần tập trung nghiên cứu, nêu các giải pháp hữu hiệu kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, 9 tháng qua (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021), cả nước đã xảy ra hơn 8.100 vụ tai nạn giao thông, làm 4.146 người chết, hơn 5.600 người bị thương, giảm hơn 2.500 vụ, giảm 817 người chết và giảm hơn 2.200 người bị thương so cùng kỳ, chủ yếu xảy ra trên đường bộ.

“Các địa phương không được hạn chế đi lại, cản trở giao thông” -0
Lực lượng chức năng xử lý tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa của Ủy ban ATGT quốc gia)

Trong 9 tháng, có 51 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ; trong đó, 11 địa phương giảm hơn 30%. Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao là Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên và Quảng Trị, trong đó, 2 tỉnh Điện Biên và Quảng Trị có số người chết tăng hơn 10%.

Qua phân tích nguyên nhân ở hơn 5.000 vụ tai nạn giao thông, xác định có hơn 20% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; hơn 10% do chuyển hướng không quan sát; 3,18% do vi phạm tốc độ xe chạy; 4,11% do sử dụng rượu bia và hơn 52% ở các nguyên nhân khác.

Từ những con số trên, ông Khuất Việt Hùng nhận định, mức độ giảm tai nạn giao thông thời gian qua chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân vi phạm quy định về nồng độ cồn tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều vi phạm. "Một số nơi áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 chưa phù hợp quy định và hướng dẫn kiểm soát dịch của Trung ương, dẫn đến ùn tắc giao thông, đứt gãy lưu thông hàng hóa, cản trở nhu cầu đi lại chính đáng của nhân dân, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong hoạt động kiểm soát dịch", ông Hùng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong nhiều thời điểm lưu lượng phương tiện giảm, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do một số người dân thiếu kiến thức hiểu biết pháp luật, kỹ năng về điều khiển phương tiện và cấp ủy, chính quyền một số nơi còn coi nhẹ, chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông.

Thực tế, có một số nơi vì mục tiêu phục hồi sản xuất đã “buông lơi” kiểm soát, xử lý các phương tiện chở quá tải; lực lượng chức năng một số địa bàn còn tình trạng xuê xoa, cả nể khi xử lý vi phạm trong dịp lễ, Tết.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép