Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza đạt tiến triển đáng kể

Theo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, việc thả con tin "có giới hạn", bao gồm cả các nữ binh sĩ Israel, sẽ được tiến hành để đổi lấy tự do của những người Palestine bị Israel giam giữ.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân được phát thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza hồi tháng 11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân được phát thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza hồi tháng 11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 3/1, báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả con tin giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã đạt được tiến bộ đáng kể, sau khi cả hai bên đều điều chỉnh các điều kiện của họ.

Các nguồn tin trên cho biết thêm rằng, Hamas đã đồng ý một lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài tới 40 ngày và từ bỏ yêu cầu bảo đảm bằng văn bản từ các nhà hòa giải rằng Israel sẽ tiếp tục đàm phán cho đến khi đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Theo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời này, việc thả con tin "có giới hạn", bao gồm cả các nữ binh sĩ Israel, sẽ được tiến hành để đổi lấy tự do của những người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Israel cũng đồng ý rút khỏi một dải đất dọc biên giới Ai Cập và Gaza bên phía Palestine, ở đó có cả cửa khẩu Rafah.

Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Basem Naim, một quan chức cấp cao của Phong trào Hamas cho biết, vòng đàm phán gián tiếp mới về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã được nối lại tại thủ đô Doha của Qatar ngày 3/1. Ông cũng khẳng định nhóm này sẵn sàng đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Các cuộc đàm phán mới tại Qatar tập trung vào việc nhất trí một ngừng bắn vĩnh viễn và việc rút các lực lượng Israel. Báo The National News dẫn một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán ở Doha nói rằng, phái đoàn Israel đang tiếp tục các cuộc họp kỹ thuật ở Doha nhằm thu hẹp khoảng cách với Hamas.

Các nhà hòa giải Qatar, Ai Cập và Mỹ đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp trong nhiều tháng giữa Israel và Hamas, song mọi nỗ lực của họ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc kéo dài hơn 1 năm ở Gaza đã thất bại. Trở ngại chính đối với một thỏa thuận ngừng bắn là việc Israel tỏ ra miễn cưỡng với việc đồng ý một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Ngày 2/1, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông Netanyahu đã ủy quyền cho các nhà đàm phán Israel tiếp tục đàm phán ở Doha.

Vào tháng 12 năm ngoái, Qatar bày tỏ lạc quan rằng các cuộc đàm phán đã có "động lực" sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024.

Tuy nhiên, bất đồng đã nổ ra với việc Hamas cáo buộc Israel nêu "các điều kiện mới", trong khi Israel cáo buộc Hamas tạo ra "những trở ngại mới" đối với 1 thỏa thuận ngừng bắn.

Trong tuyên bố ngày 3/1, Hamas đã khẳng định sự nghiêm túc và tích cực, đồng thời cam kết đạt được một thỏa thuận càng sớm càng tốt nhằm đáp ứng nguyện vọng và mục tiêu của người dân Palestine.

Việc nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ thể hiện những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1 tới.

Cùng ngày, phong trào Hamas tuyên bố họ đã gửi cho Ai Cập danh sách đề xuất các thành viên của Ủy ban quản lý Dải Gaza hậu chiến. Ủy ban này có chức năng quản lý tạm thời các vấn đề của Dải Gaza. Đây là một phần trong sáng kiến do Ai Cập đứng đầu được các nước Arab và Hồi giáo ủng hộ.

Hamas cho biết, danh sách này bao gồm những cá nhân có chuyên môn được lựa chọn theo thỏa thuận với các phe phái khác nhau của Palestine, các nhân vật độc lập và nhà hoạt động phi đảng phái, những người có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến kinh tế, giáo dục, y tế, viện trợ nhân đạo và tái thiết.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng ủy ban trên sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Palestine và coi Dải Gaza là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Palestine.

Hamas bày tỏ hy vọng phong trào Fatah và Chính quyền Palestine sẽ hợp tác thành lập ủy ban này thông qua sự đồng thuận quốc gia. Hamas cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với sự thống nhất quốc gia và khôi phục tính hợp pháp của hệ thống chính trị Palestine.

Tuy nhiên, Fatah thể hiện quan ngại với đề xuất trên, cho rằng bất kỳ ủy ban nào như vậy sẽ làm gia tăng sự chia rẽ giữa khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.

Phong trào này vẫn khẳng định rằng Chính quyền Palestine hoạt động ở Bờ Tây là cơ quan hợp pháp duy nhất quản lý Dải Gaza.