Các công trình thủy lợi bảo đảm phục vụ khoảng 4,28 triệu ha đất nông nghiệp

NDO - Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay cả nước có hơn 86.200 công trình thủy lợi, trong đó 6.750 hồ chứa, 27.754 cống các loại, 16.057 đập tạm; 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200ha trở lên, 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000ha.
Quang cảnh hồ chứa nước Ngàn Trươi tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Cục Thủy lợi)
Quang cảnh hồ chứa nước Ngàn Trươi tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Cục Thủy lợi)

Các công trình thủy lợi bảo đảm phục vụ khoảng 4,28 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho 686.600ha nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn cho khoảng 870.000ha, cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu ha.

Những công trình này góp phần quan trọng trong điều hòa nguồn nước, phòng, chống thiên tai như: Hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nước.

Cũng theo Cục Thủy lợi, cả nước cũng có hơn 30.000 cống, bọng tiêu các loại, hơn 28.000 trạm bơm. Bảo đảm nhiệm vụ tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp và một phần diện tích khu đô thị, công nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình thủy lợi bị xuống cấp do xây dựng từ lâu nhưng chưa được bảo trì, nâng cấp; nhiều công trình hiệu quả hoạt động thấp, thiếu bền vững; rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng, nhất là dưới tác động của biến đổi khí hậu…

Nguồn nước mặt của nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các quốc gia ở thượng nguồn. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến nước, tăng tính bất định, trái quy luật thông thường và khó dự báo; nguy cơ ngập do nước biển dâng. Ô nhiễm nguồn nước đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy lợi) Đinh Thanh Mừng

Nhằm phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng An ninh nguồn nước và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy lợi) Đinh Thanh Mừng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như an toàn đập, hồ chứa nước. Đổi mới cơ chế tài chính và huy động nguồn lực cho xây dựng lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, dịch vụ khác; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, trong đầu tư, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; chủ động phát triển, tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, cấp, tiêu, thoát nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng cường phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập; tăng cường hợp tác quốc tế.