Các chuyên gia, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý dự thảo Luật Thủ đô

NDO - Ngày 4/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến chung quanh các quy định tại điều, khoản, mục của dự thảo luật.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri dự hội nghị.
Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri dự hội nghị.

Theo đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Trong 10 năm triển khai thực hiện luật đạt được một số kết quả nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc và có những khó khăn khi tổ chức thi hành luật. Ngoài ra, sau khi Luật thủ đô có hiệu lực, Hiến pháp năm 2013 được ban hành và nhiều luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung và ban hành mới… tác động, chi phối đến hiệu lực Luật Thủ đô trong quá trình thực hiện.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm có căn cứ pháp lý phù hợp vững chắc, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Có chín nhóm chính sách đặc thù cho Luật Thủ đô sửa đổi để cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

Các nhóm chính sách gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút sử dụng nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực tài chính ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết và phát triển vùng thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Cũng theo đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội với bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm quốc tế; nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng luật pháp. Vì vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, trách nhiệm với mục tiêu cao nhất là xây dựng Luật Thủ đô chất lượng, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình phát triển mới.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến chung quanh các vấn đề, điều khoản trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Thái nêu vấn đề: Dự thảo giao cho Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi. Bởi theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước thì Luật tổ chức chính quyền địa phương là luật về tổ chức nhà nước, chỉ có hiệu lực sau Hiến pháp, các Luật khác không được mâu thuẫn với luật này.

Như vậy, Luật Thủ đô được ban hành có được mâu thuẫn với Luật tổ chức chính quyền địa phương hay không? Hà Nội đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường; huyện, quận vẫn còn Hội đồng nhân dân, chỉ khi nào có quy định ở Hà Nội không thành lập Hội đồng nhân dân ở quận, huyện thì quy định trên mới là hợp lý.

Mặt khác, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân đã phân quyền cho Hội đồng nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã) quyết định việc thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, cho nên việc giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định, có phải đi ngược với xu hướng phân quyền đã được xác lập trong luật tổ chức chính quyền địa phương?

Các chuyên gia, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý dự thảo Luật Thủ đô ảnh 2

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Thái đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Thủ đô.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung cho rằng, dự thảo quy định phường được tổ chức ra ở cấp thành phố thuộc thành phố chỉ có cơ quan hành pháp mà không có cơ quan quyết nghị Hội đồng nhân dân là tương đối hợp lý, gần tương đương với các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Tuy nhiên, để cho tổ chức hành pháp có tính thông suốt hơn, không nhất thiết mọi hoạt động hành pháp/hành chính của thành phố phải dừng lại ở phường với cơ cấu gồm có Chủ tịch UBND phường và uỷ viên UBND phường có chức năng hành pháp chung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh góp ý vào Điều 13, 14 Dự thảo luật Thủ đô cho rằng, quy định trong dự thảo mới chỉ làm rõ đặc thù tổ chức của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố thuộc thành phố; các thẩm quyền nếu có cũng chỉ nặng về tổ chức bộ máy. Vì vậy, cần quy định thêm các thẩm quyền trong tổ chức, điều hành, cung ứng dịch vụ công theo hướng tự quản…

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tập trung đóng góp nhiều ý kiến về: Áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội (Điều 8); cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (Điều 9); Phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế (Điều 9 và Điều 10); nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều 15); chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội (Điều 16); thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17) và về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18)...

Đóng góp các ý kiến về vấn đề: Giáo dục, chính sách phát triển nhà ở xã hội, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vấn đề thành phố trong thành phố trong dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi)…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã thông tin về: Dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; nội dung trả lời ý kiến cử tri của các cơ quan chức năng; tiếp nhận ý kiến cử tri phản ánh về các vấn đề kinh tế-xã hội.