Các bệnh viện phải siết chặt lại công tác phòng, chống dịch
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Bộ Y tế ban hành nhiều hướng dẫn các cơ sở y tế cần phải chia ca kíp làm việc, làm việc độc lập, giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau, thực hiện 5K, không đi lại các khoa, phòng. Bệnh viện phải thường xuyên sàng lọc, khai báo, đánh giá nguy cơ dịch tại bệnh viện; Phải thường xuyên xét nghiệm cho khu vực phòng khám, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân.
Ngay cả đối với các cơ sở y tế, dù nhân viên đã được tiêm phòng, bệnh viện cũng phải thường xuyên tầm soát nhân viên y tế. Các nhân viên khi đến bệnh viện phải kiểm tra các yếu tố nguy cơ, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ. Đồng thời, phải thay trang phục trước khi về nhà. Các phòng làm việc phải thông thoáng giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Sau hai bệnh viện lớn phía bắc phải cách ly y tế một tháng vì dịch tấn công vào bệnh viện, ngày 12-6 vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bị dịch tấn công cũng phải thực hiện phong tỏa một tuần. Đặc biệt, số nhân viên y tế tại đây nhiễm cùng lúc rất cao, lên tới 55 ca và là các trường hợp không tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân.
Nhận định ban đầu theo báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nguồn lây có thể là do nhân viên ở khu vực hành chính đã bị lây nhiễm từ ngoài cộng đồng, khi vào bệnh viện, họ tiếp xúc mọi người trong khu vực ngoài và tiếp tục lây lan. Các nhân viên khối hậu cần, hành chính tại đây đã có sự giao lưu, đi lại giữa các khoa, phòng. Nếu việc tiếp xúc gần, không tuân thủ 5K là những yếu tố nguy cơ rất lớn để lây bệnh.
Về vụ việc này, theo quan điểm của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cần phải kiểm tra, xem xét kỹ. Theo ông Khuê, thực tế, nhân viên y tế không may bị nhiễm Covid-19 không phải là chuyện bất thường.
Ở các nước trên thế giới, tỷ lệ này là khá cao. Bởi họ cũng là người bình thường như bất cứ ai. Rời bệnh viện, họ cũng còn có gia đình, cũng cần có việc đi đây đó, có các mối quan hệ. Trong cuộc chiến đấu với đại dịch này, họ thật sự là những chiến binh trên tuyến đầu của tuyến đầu. Tuy nhiên, dù nghiêm túc, quyết liệt chống dịch nhưng cũng không dung túng họ. Nếu cán bộ y tế không may có sai sót thì mọi người cần khách quan, khoa học, công tâm nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều, nhiều góc độ.
Dịch tấn công liên tiếp vào cơ sở y tế là bài học lớn để các bệnh viện phải cảnh giác hơn, không chỉ chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm chéo trong khối y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mà còn đối với tất cả nhân viên trong bệnh viện, kể cả khối hành chính.
Việt Nam sẵn sàng kịch bản cho 30 nghìn ca mắc
Trước đặc tính của virus biến thể này chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn, nhiều người trẻ hơn, tỷ lệ ít triệu chứng khoảng 65-70%, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, các địa phương cần phải nâng cao hơn một bước trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là khối điều trị.
Với quan điểm bốn tại chỗ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang tích cực nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu tại các địa phương, mang máy móc hiện đại về các địa phương, hỗ trợ địa phương điều trị bệnh nhân nặng.
Theo ông Khuê, hiện nay Việt Nam có sẵn kịch bản 10 nghìn đến 30 nghìn ca mắc. Hiện nay, Việt Nam đã có 11 nghìn ca mắc và hệ thống điều trị đáp ứng tốt.
Với tỷ lệ bệnh nhân nhẹ chiếm khoảng 65-70% (khoảng 19.500-21.000 trường hợp) chỉ cần cách ly, điều trị nâng cao thể trạng, không cần phải có đội ngũ các thầy thuốc quá chuyên sâu và máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ điều trị.
Khoảng 20-25% bệnh nhân còn lại (khoảng 7.000-8.000 người) ở loại trung bình có thể chuyển về thể nhẹ hoặc diễn biến nặng cần phải có hệ thống điều trị hỗ trợ như theo dõi các diễn biến nguy cơ về hệ hô hấp, các chức năng, sốt, kết hợp các thuốc chống đông máu hay tăng cường miễn dịch, điều trị tích cực các bệnh nền, máy thở HFNC.
Còn lại khoảng 5-7% của 30.000 ca nhiễm là khoảng 1.500 người cần phải đầu tư kỹ thuật cao và nhân lực chuyên môn sâu để có thể can thiệp ECMO, thở máy, thở oxy trung tâm… Việc điều trị cho 5-7% này rất quan trọng, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Ông Khuê cho biết, hiện nay, ngành y tế đã thiết lập các đơn nguyên của bệnh viện dã chiến có đơn vị hồi sức cấp cứu tích cực có đủ trang thiết bị để đáp ứng tình hình dịch.
Điều lo nhất với hệ thống điều trị là bệnh nhân nặng, rất nặng và có bệnh nền. Tuy nhiên, trong số hơn 11.000 ca nhiễm mới phát hiện trong đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam may mắn chỉ có 61 trường hợp tử vong (chiếm ~0,54% tổng số ca mắc, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với rất nhiều nước trên thế giới).
“Việt Nam đã có kịch bản 30.000, 50.000 ca mắc. Tôi tin Việt Nam sẽ đáp ứng được. Thực tế, chúng ta có cơ sở để cách ly số lượng lớn. Với tỷ lệ F0 có triệu chứng nhẹ, cộng thêm chiến lược tiêm vaccine, chúng ta hy vọng về khả năng đáp ứng đủ của các cơ sở điều trị”, ông Khuê cho hay.