Các bệnh viện công lập ở Hà Nam gặp khó khi thực hiện tự chủ

Nhằm chủ động nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, từ năm 2016, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập của tỉnh Hà Nam bắt đầu thực hiện tự chủ mức ba (tự chủ một phần chi thường xuyên) với việc đưa lương, chi phí trực tiếp vào giá. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và những vướng mắc trong cơ chế... cho nên việc thực hiện tự chủ đang gặp không ít khó khăn.

Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Hà Nam.
Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Hà Nam.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam là bệnh viện hạng 1, tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh. Từ năm 2016, cơ sở điều trị này bắt đầu thực hiện tự chủ ở mức ba với việc đưa lương, chi phí trực tiếp vào giá. Sau gần hai năm thực hiện, theo đánh giá chung từ người bệnh và người nhà người bệnh, công tác đón tiếp, thăm khám và điều trị đã có nhiều chuyển biến. Thái độ phục vụ cởi mở, tận tình của đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ tại các khoa, phòng đã tạo cảm giác yên tâm và thân thiện với người bệnh. Ðồng thời, bệnh viện cũng quan tâm củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ nhằm nâng cao chất lượng KCB, thu hút ngày càng đông người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam Ðỗ Trung Ðông cho biết: Khi chuyển sang mô hình hoạt động tự chủ, ban lãnh đạo bệnh viện đã xác định rõ những thuận lợi và khó khăn để chủ động trong công tác điều hành, không để ảnh hưởng đến công tác KCB cũng như tâm lý của đội ngũ y sĩ, bác sĩ trong bệnh viện. Ðể có được những kết quả ban đầu từ mô hình bệnh viện tự chủ, tập thể lãnh đạo quản lý bệnh viện phải chủ động, sáng tạo và quyết tâm. Mặt khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, chúng tôi luôn chú trọng đến vấn đề nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế để thu hút người bệnh yên tâm trong quá trình KCB và điều trị. Ðặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn bằng việc đầu tư thêm trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công việc.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện tự chủ, các bệnh viện công lập của tỉnh Hà Nam cũng phải đối diện với những khó khăn cả chủ quan và khách quan cần phải từng bước tháo gỡ để có thể tiếp tục thực hiện tự chủ ở mức cao hơn. Ðó là cơ sở vật chất tại các bệnh viện được giao tự chủ đang xuống cấp và chưa đồng bộ. Trong bảy bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tự chủ thì có tới ba bệnh viện (Lao, Phong và Tâm thần) chủ yếu thực hiện chính sách xã hội, bốn bệnh viện còn lại thì cơ sở vật chất xây dựng từ lâu, bắt đầu xuống cấp. Riêng Bệnh viện Sản nhi đã được tách từ ba năm nay, song vẫn phải nhờ địa điểm hoạt động trong bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngay như Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam là tuyến điều trị cao nhất trên địa bàn thì cơ sở vật chất cũng chật chội và chưa đồng bộ. Theo quy định của Bộ Y tế cần bảo đảm 5m2/giường bệnh và một phòng bệnh chỉ kê sáu giường bệnh, nhưng thực tế ở bệnh viện này có nhiều khoa phải kê đến 10 giường bệnh/phòng, như tại các khoa: Chấn thương, Tiêu hóa, Tim mạch. Còn tại bảy cơ sở KCB tuyến huyện, thành phố và 103 trạm y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng trong tình trạng tương tự.

Cùng với đó là đội ngũ y sĩ, bác sĩ của các bệnh viện công lập ở tỉnh Hà Nam đang vừa thiếu, vừa yếu. Một số khoa của bệnh viện đa khoa tỉnh như: Thận nhân tạo, Truyền nhiễm chỉ có bốn bác sĩ... không đủ luân phiên làm việc, chứ chưa kể đến cử đi học để đáp ứng yêu cầu công việc. Ðối với tuyến y tế cơ sở, đội ngũ y sĩ, bác sĩ không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu và chưa bảo đảm được tính kế cận.

Mặc dù các bệnh viện đang thực hiện tự chủ về tài chính, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của Nhà nước về mặt nhân sự. Do đó, lãnh đạo bệnh viện không thể dễ dàng sa thải các cán bộ, y sĩ, bác sĩ làm việc không tốt. Hơn nữa khi thực hiện tự chủ tài chính, đòi hỏi người đứng đầu phải năng động, nhạy bén và tinh thông về tài chính. Nhưng thực tế thì phần lớn giám đốc các bệnh viện của tỉnh Hà Nam thường là những người được đào tạo bài bản về ngành y và chỉ giỏi về chuyên môn. Khi thực hiện tự chủ theo mô hình doanh nghiệp thì đòi hỏi người quản lý phải tự học tập, tìm hiểu hoàn thiện để có thể áp dụng mà không vi phạm các quy định… cho nên cũng không thể tránh được những hạn chế trong điều hành tự chủ.

Một nguyên nhân khách quan khác khiến việc thực hiện tự chủ các bệnh viện công lập của tỉnh Hà Nam đang phải đối mặt, đó là hiện trên địa bàn tỉnh có tới hai bệnh viện đầu ngành của trung ương mở cơ sở 2, rất thuận lợi cho việc KCB của người dân. Ðây đang là áp lực cạnh tranh cho các bệnh viện tuyến dưới cùng địa bàn.

Không thể phủ nhận mặt tích cực khi các bệnh viện tuyến công lập tại tỉnh Hà Nam thực hiện tự chủ. Nhưng với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ y sĩ, bác sĩ hiện có và sự cạnh tranh, đòi hỏi người đứng đầu các bệnh viện phải năng động, đổi mới tư duy để bắt kịp sự phát triển. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam Văn Tất Phẩm cho biết: Ðể từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tự chủ tại các cơ sở KCB, ngành y tế tỉnh Hà Nam đang tích cực tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo các bệnh viện tìm các giải pháp phù hợp với quyết tâm thực hiện có hiệu quả lộ trình thực hiện tự chủ. Khuyến khích các bệnh viện tranh thủ các nguồn thu ngân sách, nguồn các dự án của trung ương, nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp mua sắm trang thiết bị. Về nhân lực, hằng năm Sở Y tế tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt kế hoạch đào tạo của toàn ngành và chi tiết đối với từng đơn vị cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học. Ðồng thời, ngành cũng tiếp tục tham mưu với tỉnh có chính sách thu hút bác sĩ, nhất là những người có chuyên môn cao về công tác tại các cơ sở y tế của tỉnh.