Với cách chia sẻ đơn giản, một vị khách đến uống cà-phê có thể trả thêm 1 hoặc nhiều ly cà-phê khác gửi lại quán, quán sẽ dành số lượng đó để trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khác dùng. Sự sẻ chia thầm lặng, mang giá trị "nghĩa tình" san sẻ với nhau nhiều hơn, khi người cho đi tùy theo khả năng của mình để chia sẻ, người nhận đến nhận cũng tâm lý nhẹ nhàng.
Nhân viên cà-phê treo Detox Coffee treo nước phục vụ người dân hoàn cảnh khó khăn. |
Cho, nhận từ tấm lòng
Một buổi trưa tháng 9, chúng tôi có mặt tại quán cà-phê Hoa Nắng, tọa lạc trên đường Nguyễn Cư Trinh, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngay phía trước và bên trong quán treo sẵn những tấm bảng mà trên đó có dòng chữ: “Ở đây có cà-phê treo”. Hay “Ai đó đã trả tiền ly cà-phê của bạn, mời bạn nhận!”
Không gian tại quán cà-phê Hoa Nắng. |
Anh Trương Công Thiện, sinh năm 1976, chủ quán cà-phê Hoa Nắng cho biết, quán đông khách vào buổi sáng và chiều. Buổi trưa là thời điểm những người có hoàn cảnh khó khăn đến với cà-phê treo nhiều hơn.
Anh Trương Công Thiện ghi số lượng cà-phê treo trong ngày. |
Trong số những người bán vé số dạo trưa hôm ấy có cụ Đặng Muối, 83 tuổi. Nói chuyện cùng chúng tôi, cụ bảo: “Giờ thì tôi không còn bất ngờ, vì đã uống cà-phê treo mấy lần. Tôi có lấy tiền trả nhưng chủ quán biết hoàn cảnh mình khó khăn nên không nhận tiền. Tôi rất biết ơn chủ quán và biết ơn người khách nào đó đã tặng cà-phê treo cho tôi”.
Anh Trương Công Thiện mang cà-phê treo hỗ trợ cụ bán vé số. |
Chị N.T.T., ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi cũng gửi tiền ủng hộ ly cà-phê treo. Tôi biết có nhiều người bán vé số trong xóm sợ tốn tiền nên ngại không qua mua nước uống giải khát giữa những ngày nắng nóng. Lúc ấy, tôi khuyên qua quán cà-phê treo có nước uống miễn phí do khách hỗ trợ thì người bán vé số mới đi nhận cà-phê treo”.
Rời Sa Đéc, chúng tôi tìm đến Đường sách thành phố Cao Lãnh. Nơi đây, ngoài những quầy sách còn có một quán cà-phê mang đến biết bao điều bình dị, nghĩa tình. Đó là cà-phê treo của quán Detox Coffee.
Nguyễn Thị Ánh Tiên, sinh năm 1995, là chủ quán Detox Coffee. Khi nghe chúng tôi nhắc đến cà-phê treo, Tiên liền ra ngồi trò chuyện, bởi Tiên cho biết em rất thích mô hình này.
Để khách biết đến cà-phê treo, Tiên cho những hình ảnh, thông tin treo tại quán. Khi khách hỏi cà-phê treo là gì, quán cũng đăng bài về cà-phê treo qua trang mạng xã hội, giới thiệu mô hình qua các đối tác của quán.
Thông tin cà-phê treo tại các quán thực hiện mô hình tại Đồng Tháp. |
Với tinh thần tương thân tương ái, nhận thấy ý nghĩa nhân văn của mô hình, suốt 2 tháng qua, nhiều khách đã tích cực ủng hộ cà-phê treo - Detox Coffee. Đa phần là khách ủng hộ tại quán, để lại thông tin ẩn danh là nhiều.
Khách ủng hộ có cả những người sống trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, những người từ phương xa đến. Khi uống xong ly nước, khách liên hệ với bạn nhân viên là ủng hộ 1, 2 ly, có khách ủng hộ vài chục ly.
Nhân viên quán cà-phê treo mang cà-phê phục vụ người bán vé số. |
Gọi là cà-phê treo nhưng người được hỗ trợ không nhất thiết phải uống cà-phê mà có thể uống những thức uống khác, với giá trị tiền tương ứng với ly nước mà khách trước đó hỗ trợ cho cà-phê treo. Có nhiều người lớn tuổi không uống được cà-phê thì uống trà đường, nước ngọt, trà sữa, sữa sen…
Chung quanh chuyện cho và nhận cà-phê treo, chúng tôi cũng ghi nhận được những câu chuyện rất dễ thương.
Đó là có trường hợp khi trời nắng quá, nhân viên quán bảo cô ơi, còn cà-phê treo, cô nhận uống giải khát đi ạ. Cô nói là cô đã thưởng thức rồi, cô nhường cho người khác. Cũng có trường hợp lớn tuổi lắm, đi bán vé số. Các bạn thấy vậy mang cà-phê treo ra hỗ trợ thì cụ bảo hôm nay cụ có tiền, để cụ trả ly nước chứ hôm nay cụ không nhận miễn phí.
Ngoài cà-phê treo, một số quán cà-phê còn phục vụ "cơm treo". |
"Có trường hợp cô bán vé số dạo ngồi xe lăn, hôm đó cô gom được những đồng tiền lời mấy ngày để dành, rồi cô đến gặp mình và nói muốn góp tiền vào để làm những hộp cơm treo. Hôm Rằm cô có mua được 10kg rau mang đến để quán nấu cơm trưa phát cho những bà con đang gặp khó khăn”, Nguyễn Thị Ánh Tiên kể.
Ánh Tiên nhớ lại những ngày đầu, khi đưa mô hình vào hoạt động, khách tò mò thì Tiên giới thiệu cho khách. Lúc đầu khách không biết cà-phê treo là gì. Có khách muốn uống thử xem món lạ, món mới nên gọi: “Cho anh một cà-phê treo”. Khi nghe quán nói mô hình, vị khách đã nhiệt tình ủng hộ.
Từ lâu, ở phương tây, mô hình cà-phê Treo không còn xa lạ với người dân. Theo đó, khách hàng có thể trả tiền trước để mời một người xa lạ, có hoàn cảnh khó khăn một tách cà-phê nhằm chia sẻ từ tấm lòng trong cuộc sống.
Nhận thấy mô hình phù hợp với việc xây dựng hình ảnh con người Đồng Tháp nghĩa tình-năng động-sáng tạo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị Ban Thường vụ Thành đoàn Sa Đéc, Ban Thường vụ Thành đoàn Cao Lãnh khảo sát, thực hiện công tác vận động xã hội để triển khai thí điểm tại 2 địa phương.
Nói về cà-phê treo tại quán, Ánh Tiên cho biết, mô hình đã dần ổn định. Đối với trường hợp khách ẩn danh hay cho biết danh tính thì quán cũng xuất hóa đơn và lập danh sách rõ ràng, sau đó đưa lại cho ban quản lý để thống kê số liệu.
Từ lâu, ở phương tây, mô hình cà-phê treo không còn xa lạ với người dân. Theo đó, khách hàng có thể trả tiền trước để mời một người xa lạ, có hoàn cảnh khó khăn một tách cà-phê nhằm chia sẻ từ tấm lòng trong cuộc sống.
Nhận thấy mô hình phù hợp với việc xây dựng hình ảnh con người Đồng Tháp nghĩa tình-năng động-sáng tạo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị Ban Thường vụ Thành đoàn Sa Đéc, Ban Thường vụ Thành đoàn Cao Lãnh khảo sát, thực hiện công tác vận động xã hội để triển khai thí điểm tại 2 địa phương.
Mong được “treo” nhiều thêm
Cách đây 2 tháng, từ sự gợi ý triển khai thực hiện mô hình cà-phê treo của Thành đoàn Sa Đéc và Thành đoàn Cao Lãnh, 6 chủ quán cà-phê trên địa bàn 2 thành phố này đã đồng ý ngay.
Em Nguyễn Thị Ánh Tiên cho biết, lúc đầu Thành đoàn Cao Lãnh thấy quán có nhiều hoạt động làm từ thiện, nên hôm đến uống cà-phê, một bạn Thành đoàn Cao Lãnh bảo: “Cô chủ làm cà-phê treo luôn đi”.
Khi ấy quán thấy mô hình ý nghĩa và đồng thời trước khi có mô hình, chủ quán quan sát thấy một số khách của quán mình có liên hệ nhân viên mua nước cho những người có hoàn cảnh khó khăn uống. Chính vì điều đó mà mô hình triển khai ra thì khách ủng hộ nhiều.
Vị khách bán vé số ngồi uống cà-phê treo. |
Từ khi mô hình được ra mắt, những người bán vé số, lao động tự do… đã chọn quán là điểm dừng chân, là nơi “giải khát” nghĩa tình. Tùy vào những thời điểm, tùy vào sự “treo” ít hoặc nhiều của du khách mà quán “treo” số lượng hỗ trợ bà con cũng khác nhau.
Chẳng hạn như những ngày đầu, quán cà-phê Hoa Nắng nhận được sự hỗ trợ nhiều của khách thì “treo” từ 15 ly nước để bà con đến uống. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số lượng treo trung bình 5 ly nước.
Anh Trương Công Thiện cho biết, nhu cầu có, nhưng không có kinh phí do ít khách “treo” nên mô hình đôi lúc bị chựng lại. Tôi thấy mô hình này rất ý nghĩa, mong làm sao cho duy trì hoài. Tôi mong có thể sau này phát triển rộng ra cả bánh mì “treo” và những thức ăn “treo” khác.
Nhiều phần quà tại quán cà-phê treo được gửi tặng người nghèo, qua đó góp phần lan tỏa mô hình cà-phê treo. |
Từ lúc đưa vào hoạt động đến nay, khách, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ cà-phê treo - Detox Coffee được hơn 350 ly nước, nhưng quán này đã phát hơn 400 ly. Hiện nay, có ngày phục vụ vài ly, cũng có ngày phục vụ hỗ trợ hơn 20 ly nước giải khát.
Nguyễn Thị Ánh Tiên cho biết quán đã hỗ trợ số âm gần 50 ly nước. Việc hỗ trợ vì quán thấy mô hình có ý nghĩa, đang lan rộng, nhằm làm sao cho mô hình hoạt động ngày một phát triển.
“Mình làm mô hình này có nhiều người đặt câu hỏi, tưởng mình làm là để quảng bá thương hoặc nghĩ rằng mình nhận tiền mà không hỗ trợ lại hết cho người khó khăn. Mình và nhân viên không để bụng những suy nghĩ ấy, vì tất cả những gì làm giúp bà con đều hỗ trợ tinh thần tự nguyện bằng cái tâm của mình”, Nguyễn Thị Ánh Tiên tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố Sa Đéc đã có 4 điểm cà-phê treo. Kinh phí lắp đặt, thiết kế pano-bảng hiệu, bảng tuyên truyền thông điệp ý nghĩa cà-phê treo do Ban Thường vụ Thành đoàn Sa Đéc hỗ trợ thi công.
“Do nhu cầu của người dân có hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều, để duy trì hoạt động mỗi ngày đều đặn, mỗi điểm cà-phê treo sẽ bố trí các bảng thông báo số lượng ly cà-phê còn lại trong ngày để phát miễn phí cho người dân. Cũng như thông báo số lượng ly cafe đã được thanh toán của những nhà hảo tâm, để mọi người có nhu cầu ủng hộ hay đến nhận đều biết được”, Bí thư Thành đoàn Sa Đéc Trần Thái Trung cho biết.
Một quán cà-phê treo ở thành phố Sa Đéc ghi số lượng ly cà-phê treo còn lại trong ngày. |
Tại Thành phố Cao Lãnh, trước nhu cầu cần được hỗ trợ giúp người dân, chủ quán cà-phê treo - Detox Coffee đã tạo nhóm Zalo cùng tên để nhận được sự chung tay của cộng đồng. Nhóm zalo này hoạt động đang mang lại hiệu quả cao. Ngoài hỗ trợ cà-phê treo, nhiều thành viên trong nhóm còn hỗ trợ “thức ăn treo”, “bánh trung thu treo”…
Những ngày đầu, mô hình ra đời gây khá nhiều bỡ ngỡ cho người dân xung quanh do cái tên mô hình khá lạ. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về câu chuyện, về cách thức thực hiện được giới thiệu cụ thể tại các bảng tuyên truyền đặt tại quán đã giúp cho người dân nhanh chóng thấu hiểu được ý nghĩa của mô hình. Đến nay, mô hình đã nhận được sự ủng hộ hơn 3.400 ly “cà-phê treo”, hơn 1.000 suất “cơm treo”.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên Tỉnh đoàn, thành đoàn Sa Đéc và chủ quán cà-phê treo tại thành phố Sa Đéc tại buổi ra mắt mô hình cà-phê treo. |
Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết, kinh phí hỗ trợ các ly cà-phê treo, dĩa cơm treo là một trong những vấn đề quan trọng nhất để duy trì, vận hành tốt các mô hình.
Tuy nhiên, do cách thức vận hành của mô hình tập trung vào sự sẻ chia, mỗi vị khách đến quán cà-phê đều có thể tặng 1, 2 ly hoặc nhiều hơn, tùy vào khả năng của mình, nên số lượng được “treo” cũng phải đảm bảo được tăng liên tục hằng ngày.
Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cũng có trao đổi, vận động sẻ chia từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, chủ các quán cà-phê. Mọi người đều rất hăng hái, tích cực đồng hành thực hiện lâu dài cùng mô hình.