Tại cuộc họp, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 11 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại cuộc họp rút kinh nghiệm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức nhìn nhận, vụ cháy vừa qua cho thấy Đội Quản lý đất quốc phòng chưa chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Việc đó thể hiện ở chỗ chưa xây dựng phương án, kế hoạch; phương tiện máy móc chữa cháy chưa bảo đảm (chỉ có 2 máy bơm nhưng một máy đã hư hỏng đang sửa, một máy còn hoạt động nhưng không hiệu quả); số lượng vòi chữa cháy chưa bảo đảm; không có chòi quan sát lửa, không phát hiện điểm cháy kịp thời.
Tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. |
Đây là vụ cháy rừng lớn trong vòng 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhưng việc chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy ban đầu còn lúng túng, nhận định chưa tốt về diễn biến vụ cháy, nhất là tốc độ di chuyển của đám cháy. Do đó, chưa đưa ra các giải pháp chữa cháy phù hợp ngay từ ban đầu để ngăn chặn kịp thời dẫn đến cháy lan xảy ra.
Như Báo Nhân Dân đã thông tin, vụ cháy rừng lớn xảy ra vào trưa 10/4, tại Đội Quản lý đất quốc phòng (Nông trường 402 cũ) đã làm thiệt hại khoảng 40ha rừng tràm tái sinh hơn 4 năm tuổi với trữ lượng gỗ khoảng hơn 773m3. Khoảng sau 16 giờ khi phát lửa, đám cháy được khống chế, dập tắt hoàn toàn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, vụ cháy xảy ra là ngoài mong muốn, qua việc này ta thấy được sự hết sức, hết lòng để cứu rừng. Đây là việc cần ghi nhận, biểu dương, đặc biệt là việc ứng dụng thiết bị công nghệ camera tầm nhiệt trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ rõ những tồn tại, hạn chế tại cuộc họp rút kinh nghiệm vào chiều 13/4. |
Cũng theo ông Lê Văn Sử, tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, qua vụ cháy rừng đã lộ ra lỗ hổng, đó là qua kiểm tra vẫn còn 3 đơn vị chưa chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thiếu sót trên, các chủ rừng chưa có phương án phòng cháy, chữa cháy cần phải khắc phục ngay. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền để chủ rừng, người dân tự cam kết thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng.
Đến nay, toàn bộ diện tích rừng ngập ngọt trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bị khô hạn nặng. Trong đó, báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) đã hơn 30.000ha.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, dự báo mùa khô còn kéo dài nên ngành chức năng và các chủ rừng phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, tăng cường công tác ứng trực và chuẩn bị các mặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra…